Giá vàng hôm nay (12/10): Vàng nhẫn đảo chiều tăng, vượt 83 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay (12/10): Vàng miếng đứng yên, vàng nhẫn điều chỉnh nhẹ
Ảnh minh họa

Trong nước, giá vàng miếng đứng yên, giá vàng nhẫn một số thương hiệu được điều chỉnh nhẹ. Hiện tại giá vàng các thương hiệu đang niêm yết cụ thể như sau:

Vàng miếng SJC đang được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 84,5 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng các thương hiệu được niêm yết ở mức 82,5 triệu đồng/lượng.

Đối với vàng nhẫn, giá vàng SJC 9999 niêm yết ở mức 81,5 triệu đồng/lượng mua vào và 82,8 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi so với rạng sáng qua.

DOJI tại thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh tăng giá mua và bán thêm 300.000 đồng lên lần lượt 82,3 triệu đồng/lượng và 83,2 triệu đồng/lượng. Giá mua và giá bán vàng nhẫn thương hiệu PNJ đều được điều chỉnh tăng 200.000 đồng lên 82 triệu đồng/lượng và 83,1 triệu đồng/lượng.

Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở mức 82,28 triệu đồng/lượng mua vào và 83,18 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 400.000 đồng giá mua và 300.000 đồng giá bán.

Phú Quý SJC đang thu mua vàng nhẫn mức 82,25 triệu đồng/lượng và bán ra mức 83,2 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng ở cả 2 chiều.

Thị trường thế giới, theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5h hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2.656,57 USD/ounce. Giá hôm nay tăng 1,06% so với giá ngày hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD, trên thị trường tự do (25.300 VND/USD), vàng thế giới có giá khoảng 81,85 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).

Vàng nối dài đà tăng giá vào thứ Sáu khi dữ liệu lạm phát của Mỹ tiếp tục củng cố triển vọng cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi nhu cầu trú ẩn an toàn do lo ngại căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng thúc đẩy giá vàng thỏi.

Báo cáo công bố trong ngày cho thấy, giá sản xuất tại Mỹ không đổi vào tháng 9, cho thấy triển vọng lạm phát vẫn thuận lợi và hỗ trợ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.

Theo nhận định của Trưởng phòng Nghiên cứu Chantelle Schieven tại Capitalight Research, giá vàng có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt là tại Trung Đông. Schieven nhấn mạnh rằng, nếu các xung đột ở khu vực này tiếp tục leo thang, giá vàng có thể chạm mốc 3.000 USD/ounce trước khi kết thúc năm 2024.

Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường hiện đang dự đoán có đến 84,4% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào ngày 7/11 tới. Tuy nhiên, bà Chantelle Schieven, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Capitalight Research, cho rằng quá trình cắt giảm lãi suất có thể diễn ra chậm hơn dự kiến, điều này có thể tạo áp lực lên giá vàng trong ngắn hạn.

Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ nhận định rằng, các yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu, đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào vàng. Lãi suất thấp giúp giảm chi phí nắm giữ vàng, khuyến khích các nhà đầu tư tăng cường mua vào kim loại quý này. Điều này có thể giúp vàng tiếp tục giữ vững hoặc tăng giá trong thời gian tới.

Quốc Nam (TH)

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích