Gia tăng hành vi sử dụng phần mềm không bản quyền, nguy cơ rò rỉ thông tin mật, nhiễm mã độc

Đối mặt với tình trạng sử dụng phần mềm không bản quyền bất hợp pháp và các cuộc tấn công mạng liên quan nhắm vào tổ chức Việt Nam có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Ngoài việc sử dụng phần mềm không bản quyền là bất hợp pháp, điều này còn liên quan trực tiếp đến tỷ lệ các cuộc tấn công bằng mã độc xảy ra. Gần đây, các cuộc tấn công mạng trong nước đang có xu hướng nhắm vào các ngành nghề quan trọng như năng lượng, dầu khí và ngân hàng. Những cuộc tấn công này có thể khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị gián đoạn và thông tin mật bị rò rỉ.

Ông Adam Coates, Tổng Cố vấn của BSA, chia sẻ việc sử dụng phần mềm không bản quyền dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Hành động này sẽ làm giảm tính bảo mật dữ liệu, khiến các doanh nghiệp rơi vào tầm ngắm của những cuộc tấn công mạng, rò rỉ thông tin và dễ dàng nhiễm phần mềm độc hại.

Ông Coates cũng nhấn mạnh rằng những sự cố này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng, đối tác và các bên liên quan, và hệ quả lớn hơn là gây thiệt hại cho toàn bộ nền kinh tế.

Tình trạng sử dụng phần mềm không bản quyền tại Việt Nam có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa

Ông Adam Coates bày tỏ: “Việc sử dụng phần mềm không bản quyền vẫn tiếp tục phổ biến ở Việt Nam là điều đáng báo động. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này một cách quyết liệt thông qua việc tăng cường kiểm tra xử phạt và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng. Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam và lãnh đạo doanh nghiệp hãy hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng này. Thực tế chỉ ra rằng, việc sử dụng phần mềm được cấp phép là tuyến phòng thủ đầu tiên tốt nhất chống lại các mối đe dọa an ninh mạng”.

Ông Adam Coates cũng lưu ý rằng một số phần mềm chuyên dụng trong thiết kế cho ngành xây dựng và kỹ thuật thường được sử dụng không bản quyền ở Việt Nam. Điều này gây ra rủi ro cho tính toàn vẹn và chất lượng của các dự án lớn.

Trong năm nay, BSA đang thảo luận với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thúc đẩy các nỗ lực tăng cường số lượng phần mềm hợp pháp sử dụng trong các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam.

Ông Adam Coates cho biết thêm, trước các đợt thanh tra sắp tới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp hợp thức hóa phần mềm và tránh những rắc rối pháp lý nếu vi phạm quy định. Để giảm thiểu rủi ro pháp lý, an ninh mạng và uy tín thương hiệu liên quan đến việc sử dụng phần mềm không bản quyền, ông Coates kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chủ động kiểm tra các phần mềm đang được sử dụng trong tổ chức của mình.

Phần mềm không bản quyền là việc “bẻ khóa” phần mềm bản quyền có tính năng tương tự giống như một phần mềm bản quyền nhưng sẽ bị hạn chế về một số tính năng nào đó. Việc sử dụng phần mềm không bản quyền tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều.

Việc công ty sử dụng phần mềm mà không có bản quyền là vi phạm Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (Có hiệu lực từ 01/01/2023), cụ thể các hành vi xâm phạm được quy định như sau: Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật này; Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này; Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật này.

Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này.

Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.

Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật này

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích