Giá nhà khó giảm trong năm 2022
Giá nhà tăng ngược chiều nền kinh tế
Trải qua 2 năm dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó, các đợt giãn cách xã hội khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ, giao dịch bất động sản bị chững lại do không tiếp xúc, không làm thủ tục mua bán.
Tuy nhiên, báo cáo thị trường bất động sản CBRE mới đây cho thấy, tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM vẫn chứng kiến đà tăng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo báo cáo trên, thị trường Hà Nội trong năm 2021, có khoảng 17.000 căn hộ mở bán, giảm 7% theo năm. Đây là năm thứ hai liên tiếp, thành phố ghi nhận nguồn cung mở bán mới giảm, dưới tác động của dịch Covid-19.
Theo phân khúc, căn hộ trung cấp vẫn là sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường, chiếm 72% tổng nguồn cung mới trong năm. Phân khúc cao cấp đứng thứ hai, chiếm tỷ trọng gần một phần tư tổng nguồn cung mở bán mới, đây cũng là tỷ trọng cao nhất của phân khúc này trong vòng ba năm qua.
Đáng chú ý, Hà Nội chứng kiến sự ra mắt của dự án căn hộ siêu sang đầu tiên, nằm tại khu vực trung tâm, có mức giá cao nhất từ trước tới nay ghi nhận tại thành phố. Về vị trí, khu vực phía Đông, năm thứ hai liên tiếp, là khu vực tập trung nguồn cung mới lớn nhất Hà Nội.
Báo cáo của CBRE cũng cho thấy, tính tới cuối năm 2021, giá bán sơ cấp trung bình tại thị trường Hà Nội đạt 1.596 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 13% theo năm – mức tăng theo năm cao nhất trong vòng năm năm qua.
Trong khi đó, tại thị trường TP.HCM, báo cáo của DKRA cho biết, giá nhà chung cư lẫn nhà liền thổ chào bán trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) vẫn tăng trong suốt quý III – giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế TP.HCM – do phong tỏa phòng chống dịch. Tuy giá tăng, thanh khoản nhà ở giai đoạn này xuống thấp kỷ lục do ảnh hưởng tâm lý thị trường.
Theo thống kê của DKRA, sang quý IV, giá nhà ở TP.HCM tiếp tục leo thang do nguồn cung khan hiếm. Các đợt chào bán nhà trong mùa cao điểm bán hàng cuối năm đa phần đều là mở bán giai đoạn tiếp theo của các dự án cũ, giá bán đợt sau tăng trung bình 3 – 5% so với đợt mở bán trước.
Nhìn nhận về tình hình trên, theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC, giá nhà tăng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát nặng nề, kinh tế khó khăn là một nghịch lý đang diễn ra thường xuyên tại thị trường TP.HCM suốt năm 2021.
Ông Nghĩa cho rằng các cuộc khủng hoảng bất động sản từng diễn ra trước đây trong lịch sử luôn gắn liền với khó khăn của nền kinh tế. Trong khi đó, ngay cả khi tăng trưởng GDP của thành phố giảm, giá nhà vẫn tăng là một điều đáng lo hơn đáng mừng.
Vị chuyên gia cho biết, nguyên nhân giá nhà leo thang do chủ quan là nguồn cung chủ yếu đến từ dự án cao cấp, nguồn cung bình dân gần như vắng bóng tại 2 thị trường lớn. Trong khi đó nguyên nhân khách quan do giá đất tăng, vật liệu xây dựng “phi mã” từ đầu năm.
Sẽ không giảm trong thời gian tới
Theo báo cáo của CBRE, trong năm 2022, nguồn cung chào bán mới tại Hà Nội dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại, đạt ngưỡng 26.000 – 28.000 căn. Doanh số bán hàng dự kiến sẽ hồi phục trong năm khi các hoạt động bán hàng dần trở lại bình thường.
Mức giá sơ cấp được dự báo tăng khoảng 5 – 7%/năm trong vòng 3 năm tới, do sản phẩm của các khu đô thị tiếp tục nâng cấp định vị cũng như kì vọng các dự án cao cấp và hạng sang mở bán ở một số vị trí đắc địa, trung tâm.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội cho rằng: “Trong vòng vài năm trở lại đây, các dự án nằm ở các khu vực nhà ở mới ghi nhận doanh số bán hàng tích cực nhờ tập trung vào khác biệt hóa sản phẩm, tích hợp nhiều tiện nghi, cũng như các hoạt động marketing và bán hàng. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn trong các năm tới khi quỹ đất tại các quận nội thành hiện tại ngày càng trở nên hạn chế.”
Tại thị trường TP.HCM, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định nguồn cung bất động sản sẽ được cải thiện trong năm tới. Bên cạnh đó, năm nay TP.HCM sẽ đẩy mạnh nhiều gói đầu tư công, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, tác động tích cực cho thị trường bất động sản. Quỹ đất ở của TP.HCM ngày càng hạn hẹp, trong khi tốc độ di dân cơ học ở thành phố tăng nhanh, nhu cầu nhà ở lớn nên giá tăng là tất yếu. Do đó, giá nhà khó giảm giá trong các năm tới.
Trên cương vị doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương – Tổng giám đốc Đại Phúc Land cũng cho biết, Chính phủ đã công bố quyết tâm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội trong năm 2022 với tỷ lệ tăng trưởng GDP sẽ là 6 – 6,5% để bù lại giai đoạn tăng trưởng chậm do tác động của dịch bệnh. Đây cũng là nền tảng quan trọng tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng.
“Giá cả bất động sản sẽ khó giảm nhiệt trong tình hình tâm lý thị trường đang tốt, nguồn cung bất động sản vẫn giảm và ít ỏi so với nhu cầu của thị trường” – bà Hương cho biết./.