Giá nhà đất tăng theo thông tin quy hoạch
(TN&MT) – Từ sau Tết Nguyên đán 2022, xu hướng đầu tư bất động sản (BĐS) dần dịch chuyển sang các tỉnh. Việc hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, cùng nhiều thông tin quy hoạch được đưa ra khiến giá nhà đất tại nhiều địa phương như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An. Đồng Nai… tăng cao.
Chị Lê Thị Lý, một môi giới bất động sản (BĐS) tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều nhà đầu tư về đây tìm hiểu và tìm mua đất khiến thị trường sôi động hẳn. Đặc biệt, từ sau thông tin huyện Đức Hòa sẽ lên thành phố, giá đất tại khu vực này đã có nhiều biến động. Không chỉ đất làm nhà ở mà đất dự án, thậm chí là đất nông nghiệp đều tăng từ 10-30% so với thời điểm đầu năm 2021. So với cùng kỳ 2021, giá đất nền tại đây tăng trung bình từ 1-3 triệu đồng/m2.
Báo cáo thị trường BĐS Long An vừa được Batdongsan.com.vn công bố cho thấy, Đức Hòa hiện đang là địa phương dẫn đầu Long An về tăng trưởng nhu cầu tìm kiếm và giao dịch nhà đất, nhất là với loại hình đất nền dự án và nhà liền kề. Cụ thể, tháng 2/2022, lượt tìm kiếm BĐS Long An tăng 15% so với tháng 1 và 31% so với cùng kỳ 2021, trong đó mức độ quan tâm loại hình biệt thự, nhà liền kề tăng thêm 17% theo tháng và 57% theo năm. Đức Hòa, Cần Giuộc và Bến Lức tiếp tục là 3 huyện có lượt tìm kiếm BĐS cao nhất Long An, trong đó Đức Hòa dẫn đầu về nhu cầu mua nhà đất trên toàn tỉnh.
Tính riêng trong tháng 2/2022, bất chấp lượng sản phẩm rao bán có xu hướng giảm gần 3%, nhu cầu tìm mua BĐS tại Đức Hòa vẫn tăng hơn 15%, trong đó loại hình đất nền dự án và nhà phố liền kề là 2 phân khúc có lượt tìm kiếm tăng nhiều nhất, đây cũng là phân khúc ghi nhận sức tiêu thụ tốt nhất thị trường. Bên cạnh Đức Hòa, nhu cầu tìm kiếm nhà đất tại Cần Giuộc và Bến Lức cũng tăng thêm 12 và 24%.
Cũng theo Batdongsan.com.vn, xuất phát từ nhu cầu giao dịch gia tăng, giá đất nền, nhà liền thổ tại Long An cũng hiện đang biến động trong quý 1/2022. Trong đó, nhiều lô đất từng có giá bán vào khoảng 750-900 triệu đồng tại Đức Hòa, Cần Giuộc hiện đang giao dịch thứ cấp với tầm giá từ 900 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/lô. Với các căn nhà phố liền kề trong các khu đô thị lớn tại Bến Lức, Tân An có giá chào bán vào khoảng từ 5 -10 tỷ đồng, tăng từ 10 – 15% so với cùng kỳ 2021 nhưng vẫn được nhà đầu tư săn mua ráo riết.
Với thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu, làn sóng mua bán nhà đất đã sôi động từ cuối năm 2021 và tiếp tục kéo dài đến quý 1/2022. Sức nóng của thị trường địa ốc không tập trung ở một vài khu vực, mà lan tỏa trên diện rộng từ các khu vực Phú Mỹ, Xuyên Mộc, Long Hải đến Đất Đỏ, Châu Đức. Theo chia sẻ của các môi giới tại đây, lượng giao dịch nhà đất tại Bà Rịa – Vũng Tàu trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng thêm 20 – 30%, nhiều phòng công chứng xuất hiện tình trạng quá tải giao dịch. Theo đó, đất nền tầm 10-25 triệu đồng/m2 gần kề các tuyến đường cao tốc hay khu công nghiệp đang được tìm kiếm nhiều. Hiện tại, giá BĐS tại các điểm “nóng” giao dịch tại Bà Rịa – Vũng Tàu nhiều lô tăng 15 -30% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, xu hướng dịch chuyển đầu tư BĐS sang các khu vực lân cận các đô thị lớn hiện đang bùng nổ và sẽ tiếp tục gia tăng theo làn sóng phát triển hạ tầng và biến động giá bán. Hiện, giá BĐS tại các đô thị lớn đang neo ở mức cao, nên khả năng sinh lời từ địa điểm này thấp hơn khiến nhà đầu tư tìm cơ hội ở những vùng xung quanh như: Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước… giáp TP.HCM.
Ngoài yếu tố về giá cả, yếu tố cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong xu hướng dịch chuyển ra ngoại thành của nhà đầu tư BĐS. Chẳng hạn như việc mở rộng dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành, đẩy nhanh tuyến đường vành đai 2, 3 giải quyết các điểm nghẽn giao thông từ TP.HCM đi Long An, Bình Dương, Đồng Nai…, góp phần làm cho hệ thống giao thông trở nên thông thoáng và tăng cường tính kết nối các đô thị vệ tinh trong vùng và liên vùng.
Về việc các nhà đầu tư BĐS “đón sóng” hạ tầng, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, khi xác định “đón sóng” hạ tầng, nhà đầu tư cần chú trọng tính chuẩn xác của thông tin, xác định là đầu tư dài hạn và không phải dự án nào cũng đúng tiến độ. Nếu không nắm được thông tin quan trọng, nhà đầu tư không nên chạy theo “cơn sốt” mà đổ xô đầu cơ, trữ đất như thế dễ chịu rủi ro lớn.