Gia Lai: Xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu
Theo đó, Đề án thí điểm được triển khai trong giai đoạn 2022 – 2025, với quy mô là 5.611 ha cà phê, được triển khai thực hiện tại 7 địa phương, gồm Đak Đoa, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh và thành phố Pleiku.
Nội dung trọng tâm của đề án, bao gồm: đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê trên địa bàn tỉnh; tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông; phát triển liên kết chuỗi giá trị; đầu tư xây dựng 1 trung tâm logictics.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm:
Hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô lớn, hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp ở vùng nguyên liệu cà phê liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiệu quả, bền vững;
Phát triển, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị cà phê;
Đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng sản phẩm nguyên liệu cà phê phục vụ chế biến và xuất khẩu; tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025:
Hình thành vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn, quy mô tập trung với diện tích trên 5.611 ha và các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân;
Giảm chi phí đầu vào sản xuất từ 5 – 10% cho các thành viên hợp tác xã và người nông dân (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, chi phí và thời gian vận chuyển…);
Giảm tổn thất sau thu hoạch 5 – 10% số nguyên liệu và tăng giá trị khoảng trên 10%; qua đó, tăng thu nhập 5 – 10% cho thành viên hợp tác xã và người nông dân.
Tăng cường năng lực cho ít nhất 12 hợp tác xã nông nghiệp trong vùng nguyên liệu cà phê; giúp nâng cao khả năng điều hành và tổ chức sản xuất của các hợp tác xã, thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế tập thể và nâng cao giá trị của chuỗi nông sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, sản phẩm OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định;
Phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết tiêu thụ. Thí điểm hình thành 10 tổ khuyến nông cộng đồng và tổ chức các lớp tập huấn tư vấn phát triển hợp tác xã, kết nối thị trường;
Áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao, số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thí điểm thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất cho hợp tác xã, thành viên hợp tác xã;
Chính sách bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương, phát triển chế biến quy mô nhỏ và vừa theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ để phù hợp với mục tiêu chung tạo ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; xây dựng 1 trung tâm logistic chuỗi cà phê tỉnh Gia Lai.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tham gia đề án và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch;
Đề xuất điều chỉnh Kế hoạch này nếu có thay đổi quy mô, mục tiêu, nội dung, kinh phí… của các dự án so với Quyết định số 1088/QĐ-BNN- KTHT ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh;
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất nguồn kinh phí lồng ghép thực hiện Đề án phù hợp quy định hiện hành;
Hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp tham gia đề án tổ chức sản xuất kinh doanh, liên kết đảm bảo theo tiêu chuẩn cà phê chất lượng; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện về UBND tỉnh.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu