Gia Lai: Ứng dụng công nghệ cao và tiêu chuẩn nâng cao năng suất sản phẩm nông sản
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 227 nghìn ha cây trồng các loại được sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, và FLO. Trong lĩnh vực chăn nuôi, có 3 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi heo VietGAHP, 1 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi bò GlobalGAP và 1 cơ sở được chứng nhận nuôi ong VietGAHP. Tỉnh cũng đã hỗ trợ 30 doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hay các công cụ cải tiến sẽ giúp doanh nghiệp, HTX nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: tinhuygialai.org.vn
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) vẫn gặp khó khăn trong việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để đáp ứng các quy định quốc tế. Bà Trần Thị Tầm – Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên (xã An Trung, huyện Kông Chro) chia sẻ: “Sản phẩm chính của HTX là nước trái cây lên men từ chuối. Đây là sản phẩm rất tốt cho sức khỏe nhưng hiện vẫn đang khá khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ. Để mở rộng thị trường, sản phẩm cần có các chứng nhận và đạt tiêu chuẩn quốc tế”.
Để giúp các doanh nghiệp và HTX vượt qua những khó khăn này, những lớp tập huấn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng như công cụ 5S – viết tắt của 5 từ tiếng Nhật: Seiri (sàng lọc), Seiton (sắp xếp), Seiso (sạch sẽ), Seiketsu (chuẩn hóa) và Shitsuke (duy trì) giúp nhà sản xuất có thể loại bỏ các lãng phí, giảm thiểu các hoạt động không tạo ra giá trị, tạo môi trường làm việc an toàn và chất lượng và thúc đẩy tinh thần cải tiến liên tục.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tăng cường phổ biến một số nội dung như: cách tổ chức và kiểm soát quá trình đánh giá nội bộ theo các yêu cầu của ISO 22000:2018; hiểu về nguyên tắc của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSMS), cách tiếp cận hệ thống FSMS; hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015; nhận thức chung về tiêu chuẩn ISO 45001:2018…
Ông Nguyễn Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai cho biết: “Các doanh nghiệp và HTX muốn có đầu ra rộng mở thì phải đầu tư xây dựng thương hiệu mạnh, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng, và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như các giải pháp thông minh trong quản trị để giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận”.
Thực tế về phía doanh nghiệp, ông Lê Xuân Nhàn – Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ An Bình Phát (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cho biết: “HTX thành lập năm 2018, chuyên trồng và sản xuất các sản phẩm từ cây thảo dược như sả, hương nhu, quế, bạc hà… Định hướng của chúng tôi là không chỉ cung cấp các sản phẩm thô mà còn trực tiếp sản xuất ra sản phẩm và bán ra thị trường. Việc trang bị kiến thức liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và công cụ cải tiến sẽ giúp chúng tôi chuẩn bị tốt hơn cho tương lai”.
Bà Trần Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cao su Chư Prông chia sẻ: “Công ty đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm ISO 45001:2018 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015. Hàng năm, công ty xuất khẩu khoảng 4.000 tấn cao su. Việc trang bị các tiêu chuẩn và quy chuẩn sẽ giúp công ty đáp ứng yêu cầu của khách hàng khó tính và mở rộng thị trường”.
Có thể thấy, các quy trình chuẩn hóa giúp loại bỏ các bước không cần thiết, giảm bớt thời gian và công sức mà nhân viên phải sử dụng vào công việc hằng ngày. Khi mọi thao tác được xác định rõ ràng và tối giản hóa, lao động không phải đối mặt với những công việc lặp đi lặp lại hoặc không hiệu quả; thay vào đó, họ có thêm thời gian và năng lượng để tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng và đóng góp ý tưởng sáng tạo.
Không những vậy, tiêu chuẩn hóa còn tạo ra sự công bằng trong lao động. Bằng việc thiết lập các tiêu chuẩn công bằng và rõ ràng, mọi nhân viên có cơ hội đồng nhất để thể hiện năng lực và đóng góp của họ. Điều này khuyến khích tinh thần làm việc, sự cạnh tranh lành mạnh và lòng tự hào đối với công việc của từng người. Tiêu chuẩn hóa còn tạo ra một môi trường làm việc tích cực. Khi mọi người đều biết rõ về kỳ vọng và tiêu chí của công việc, họ cảm thấy tự tin hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Điều này không chỉ tăng cường hiệu quả của mỗi cá nhân mà còn làm tăng hiệu suất làm việc của toàn bộ đội ngũ.
Duy Trinh