Gia Lai: Tình trạng khai thác đá trái phép tại huyện Chư Sê vẫn tiếp diễn

Gia Lai: Tình trạng khai thác đá trái phép tại huyện Chư Sê vẫn tiếp diễn

Nguyễn Giác – Phương Trần –  Thứ ba, 07/02/2023 16:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng núp bóng “cải tạo đồng ruộng” để khai thác, chế biến đá xây dựng rồi đưa đi tiêu thụ đang diễn ra ồ ạt tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai

Ngày 6/2, sau khi nhận được thông tin tại làng Ring, xã Hbông, huyện Chư Sê đang có nhóm người khai thác, vận chuyển đá trái phép, Đoàn kiểm tra của huyện đã xác minh, lập biên bản với 60m3 đá, khoảng 10 nghìn viên đá chẻ. Vị trí phát hiện vụ việc tại rẫy của ông Phạm Văn Hợp, việc khai thác, chế biến đá được xác định là trái phép.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hbông, huyện Chư Sê ông Bùi Văn Cường: Hộ ông Hợp đã được Xã mời làm việc, cam kết không vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trái phép, tuy nhiên khi đề nghị viết cam kết thì hộ gia đình không thực hiện.

tm-img-alt
Hàng trăm mét khối đá tại xã Hbông được trải rộng phục vụ cho thợ chẻ đá.

Trước đó, đầu tháng 1/2023 là thời điểm cận Tết, lợi dụng sự thiếu kiểm tra của chính quyền và cơ quan chuyên môn, nhiều người dân đã huy động thiết bị máy đào đến khu vực làng Ring, xã H Bông để đào, đưa hàng trăm viên đá với nhiều kích thước để tập kết thành đống lớn.

Sau khi đưa đá lên khỏi mặt đất, một nhóm người cùng các thiết bị máy khoan cầm tay, búa, đục… để thực hiện công đoạn khoan, tách các khối đá lớn thành những viên đá nhỏ để đưa đi tiêu thụ, phục vụ cho việc xây dựng nhà ở, đường giao thông.

tm-img-alt
Thợ chẻ đá miệt mài làm việc tại khu vực khai thác đá trái phép xã Hbông.

Ngoài khối lượng đá liên tục được gia công, tách nhỏ đưa đi bán mỗi ngày tại bãi đá làng Ring, thì một nhóm người khác vận chuyển các khối đá đưa về 1 nơi rồi xếp thành đống cao, dài hàng chục mét. Sau đó, để che lấp, những người tại đây đưa đất đá vụn đổ lên đống đá to.

Ngay khi phát hiện sự việc trên, phóng viên đến ghi nhận công trường khai thác tại làng Ring để tìm hiểu việc khai thác, gom đá có đúng theo quy định? Tuy nhiên, khi đến nơi để ghi hình thì toàn bộ nhóm người đang làm tại bãi đá đã vội vàng gom hết dụng cụ rồi nhanh chóng bỏ đi.

tm-img-alt

Bãi đá tại hiện trường ngày 10/01/2023 và ảnh máy đào đang múc đất nhằm che giấu số đá bên trong được ghi nhận vào ngày 13/1/2023.

Để tìm hiểu rõ sự việc trên, PV đã chuyển toàn bộ thông tin và hình ảnh ghi nhận được đến lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Chư Sê; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để kiểm tra, xử lý.

Tuy nhiên, trong lúc chờ câu trả lời từ các cấp chính quyền thì tại một vị trí khác cùng thuộc xã Hbông lại tiếp diễn việc chở đá khối cỡ lớn đưa lên xe đầu kéo để chở đi tiêu thụ.

Cụ thể, chiều ngày 20/1/2023, xe đầu kéo màu vàng, BKS 81H-000… đang được xe máy đào và sự trợ giúp của nhiều người đưa nhiều khối đá lớn lên xe chuẩn bị chở đi.

tm-img-alt

Xe tải đầu kéo đang chất đá khối cỡ lớn lên xe ngày cận Tết bị phát hiện và đề nghị chính quyền vào cuộc xử lý đến tận khuya.

Đến khoảng 19 giờ, 20/1/2023, sau nhiều cuộc gọi đến các cấp chính quyền bất thành, PV đã trực tiếp gọi đến bà Rmah H’ Bé Nét-Chủ tịch UBND huyện để cung cấp sự việc đang diễn ra tại xã Hbông, đồng thời đề nghị chính quyền của huyện Chư Sê để hỗ trợ ngăn chặn, xử lý trước khi phương tiện tẩu thoát. Sau thời gian dài đề nghị hỗ trợ, đến khuya 21/1/2023 sự việc mới được xử lý, lập biên bản, chiếc xe tải chở đá trái quy định được đưa về khu vực tạm giữ.

Ngoài xã H Bông nơi nhiều lần báo chí phản ánh về tình trạng khai thác, vận chuyển đá trái phép với khối lượng lớn trong những năm qua, thì mới đây, tại khu vực làng Ia Pết, xã Ia Pal, huyện Chư Sê tái diễn tình trạng khai thác đá núp bóng dưới hình thức “cải tạo ruộng”.

tm-img-alt

Bãi đá tại làng Pết, xã Ia Pal được người dân tự ý khai thác, chẻ thành viên nhỏ đưa đi tiêu thụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pal Vũ Duy Nhạc: Sau khi nhận được chỉ đạo của Phòng Tài nguyên và Môi trường, ngày 30/12/2022 Xã đã phối hợp cùng Ban nhân dân làng Pết xác định được chủ đất nơi xảy ra tình trạng khai thác, chẻ đá tại khu vực gần ruộng nước. Chủ đất cho rằng mình đã thuê xe máy đào để cải tạo đất để trồng lúa, vì không có tiền trả nên để bên có xe máy đào cho người chẻ đá đi bán trừ công đào đất.

Thực tế chính quyền các cấp của huyện Chư Sê mạnh tay với tình trạng “đá tặc” thế nào thì chưa rõ. Nhưng tình trạng khai thác, vận chuyển đá trái phép vẫn từng ngày diễn ra tại huyện Chư Sê.

tm-img-alt

Các phương tiện phục vụ việc khai thác đá tại hiện trường.

Để chấm dứt nạn “đá tặc” tại huyện Chư Sê, đề nghị Đảng ủy cùng các cấp chính quyền tại huyện Chư Sê sớm có biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa, không để tài nguyên khoáng sản bị khai thác ồ ạt như thời gian qua.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích