Gia Lai phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tập trung nghiên cứu, phát triển ngành du lịch với phương châm “Sản phẩm khác biệt – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường xanh, sạch, đẹp – Điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt”.
Trong đó, tập trung đầu tư để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển dịch vụ.
Nghiên cứu phát triển thêm các nhóm sản phẩm du lịch như: Du lịch lễ hội (festival tour), du lịch MICE (du lịch kết họp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), du lịch ban đêm, city tour…
Đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm đường sông trên các tuyến thủy nội địa, như: Sông Ba, sông Sê San, hồ Ia Ly, hồ Ayun Hạ. Triển khai mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế, như: Chương trình kết nối điểm đến, phát động thị trường, các chương trình Road show (chương trình biểu diễn ngoài trời) du lịch. Quảng bá du lịch Gia Lai thông qua một số video có cảnh quan đẹp tại Gia Lai. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc xây dựng, thực hiện hoạt động quảng bá du lịch liên quan đến các sự kiện lớn, farmtrip, presstrip, các chương trình quảng bá trên các kênh thông tin, truyền hình trong và ngoài nước.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành và các địa phương lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào trong nội dung quy hoạch tỉnh.
Dự kiến các khu vực, địa bàn, tuyến được tập trung phát triển kinh tế ban đêm. Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai đầu tư, khai thác, kinh doanh hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế đêm tại thành phố Pleiku.
Tiếp tục hình thành các khu vực tương tự tại thị xã An Khê, Ayun Pa và huyện Chư Sê cũng như một số địa điểm thuận lợi ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức các hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm ban đêm; hỗ trợ, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, hàng hoá, chú trọng khuyến khích các nhóm mặt hàng mang tính truyền thống, sản phẩm OCOP để phục vụ du khách, người dân; thực hiện chính sách thương mại và dịch vụ phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh.
Lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Gia Lai trong các chương trình xúc tiến thương mại do Sở Công Thương chủ trì ở trong và ngoài nước, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch; lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Gia Lai trong phát triển các loại hình hạ tầng thương mại phục vụ du lịch.
Nghiên cứu phát triển các điểm bán hàng Việt bền vững, điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại các khu, điểm du lịch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lồng ghép các nội dung phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua các doanh nghiệp lữ hành; hình thành các điểm đến nồi bật với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh truyền thông quảng bá về du lịch, xây dựng chương trình truyền thông quảng bá, chiến dịch truyền thông theo xu hướng mới.
Bên cạnh đó, UBND cấp huyện xây dựng và phát triển mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc trưng, một điểm đến tiêu biểu; tăng cường phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để quảng bá, xúc tiến các sản phẩm OCOP của địa phương tại các sự kiện chính trị – văn hoá, hội chợ thương mại, hội chợ du lịch trong và ngoài nước.
Riêng UBND thành phố Pleiku triển khai thực hiện có hiệu quả “Kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Pleiku”, xây dựng và hoàn thiện các phương án phố đi bộ, chợ đêm và phố ẩm thực để đưa vào hoạt động phục vụ cho du khách.
Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai các chương trình khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch; tuyên truyền, quảng bá các sự kiện lễ hội và liên kết với các địa phương, hỗ trợ các địa phương trong khai thác du lịch.
Vận động các doanh nghiệp du lịch quan tâm đầu tư nâng cấp ứang thiết bị cơ sở vật chất kỹ thuật nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo tiện nghi phục vụ khách du lịch.
Tích cực tham gia các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch và các sản phẩm OCOP đặc trưng của Gia Lai đến với du khách, người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu