Gia Lai: Nước thải từ bãi rác tại TP Pleiku có nguy cơ “bức tử” rừng thông

Gia Lai: Nước thải từ bãi rác tại TP Pleiku có nguy cơ “bức tử” rừng thông

A LỰC – CHI HUỲNH –  Thứ năm, 23/09/2021 16:08 (GMT+7)

Nước thải từ bãi rác có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, kèm bọt trắng từ nhiều hướng chảy ra môi trường xung quanh và đổ vào rừng thông từng ngày, làm cho nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nước thải chảy trực tiếp ra môi trường

Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Gào, TP Pleiku được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2010, mức đầu tư trên 7 tỷ đồng diện tích khoảng 10ha với quy mô khép kín. Theo cam kết, nước thải sau xử lý đạt nước thải loại B có thể tưới cây, thời gian sử dụng từ 9 đến 10 năm.

Nhiều năm qua, người dân liên tục phản ánh tình trạng nước thải từ bãi rác nói trên có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, phát sinh nhiều ruồi muỗi… Trên mặt nước nhiều vị trí trong khu vực bãi rác, nổi bọt trắng chảy trực tiếp ra môi trường xung quanh mà không được thu gom, xử lý qua các hồ sinh học.

tm-img-alt
tm-img-alt
Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Gào, TP Pleiku, Gia Lai.

Liên quan đến việc ô nhiễm tại đây, 3 năm trước MT&ĐT Việt Nam điện tử đã đăng tải loạt 6 bài phóng sự: “Gia Lai: Nước rỉ thải từ bãi chôn lấp rác đổ trực tiếp ra suối phản ánh tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ bãi ra” ngày 06/09/2018; “Gia Lai: Vụ nước thải đổ ra suối, lãnh đạo công ty “né” phóng viên” ngày 13/09/2018; “Xử lý rác thải tại TP. Pleiku: Nhiều ý kiến trái chiều” ngày 27/09/2018; “Vụ nước rỉ thải tràn ra suối: Xe chở phế liệu đổ ào ào vào bãi rác” ngày 16/10/2018; “Gia Lai: Nước rỉ thải đổ ra suối vượt ngưỡng quy định nhiều lần” ngày 22/11/2018; “TP Pleiku: Xử lý triệt để ô nhiễm nghiêm trọng ở bãi rác” ngày 02/12/2018, nhằm phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường từ bãi rác sinh hoạt tại xã Gào, TP Pleiku. Tuy nhiên đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai vẫn chưa xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm tại đây.

tm-img-alt

Cách cổng bãi rác khoảng 20m, nước thải từ bên trong chảy ra ngoài mặc dù tại khu vực này có tường bao kiên cố, nhưng nước thải vẫn chảy ra tạo thành một hố nước màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Theo ghi nhận thực tế của PV MT&ĐT thời gian gần đây nhất, cách cổng bãi rác khoảng 20m, nước từ bên trong bãi rác chảy ra bên ngoài mặc dù tại khu vực này có tường bao kiên cố, nhưng nước thải vẫn chảy ra tạo thành một hố nước màu đen, bốc mùi hôi thối.

Dọc theo bãi rác dễ dàng nhìn thấy nước rỉ thải từ đây chảy ra nhiều hướng khác nhau. Phía cuối bãi rác nước thải chảy qua hàng rào lưới và đổ ra rừng thông đoạn giáp với đường Hồ Chí Minh. Tại đây nhiều cây cối bị héo úa, thậm chí có nhiều cây bị khô.

Tại khu vực thu gom nước thải có 3 hồ sinh học, tại hồ thứ 2 bạt chống thấm ở phía góc bị rách. Nước thải thông qua một đường ống đổ vào hồ thứ 3 có màu đen kịt và nổi bọt trắng xóa, hồ này chỉ là hố đất được khơi rộng, không phủ bạt chống thấm. Từ đây nguồn nước nguy hại tiếp tục thấm vào đất có nguy cơ ảnh hưởng mạch nước ngầm, hủy hoại môi trường.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
Phía cuối bãi rác nước thải chảy qua hàng rào lưới và đổ ra rừng thông đoạn giáp với đường Hồ Chí Minh.
tm-img-alt

Nước thải từ hồ số 2 thông qua đường ống chảy vào hồ số 3 có màu đen kịt, mùi hôi thối và nổi bọt trắng.

Cơ quan chức năng ở đâu?

Liên quan đến sự việc trên, tại Văn bản số: 154/CCBVMT-KSÔN ngày 21/6/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai “V/v kết quả xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác sinh hoạt xã Gào, TP. Pleiku, Gia Lai”.

Theo đó, “Bãi chôn lấp chất thải rắn tiếp nhận khoảng 150 tấn rác/ngày, được xử lý chôn lấp tại 03 ô chôn lấp (Ô chôn lấp số 1 sức chứa 83.500 m3; Ô chôn lấp số 2 sức chứa 100.300 m3; Ô chôn lấp số 3 sức chứa 35.000 m3). Nước thải (nước rỉ rác) được thu gom xử lý bằng 03 hồ sinh học (hỗ kỵ khí dung tích khoảng 3.000 m3; hồ hiếu khí tùy tiện dung tích khoảng 4.000 m3. Bãi lọc sinh học dung tích khoảng 8.000 m3).

Trước đây và hiện tại không có nước thải chảy ra suối Ia Puch, nước thải chỉ đến hồ sinh học số 3. Tuy nhiên, mùa mưa năm 2018 kéo dài làm nước mưa chảy vào các ô chôn lấp gây quá tải bãi lọc sinh học (hồ số 3) mới có nước thải chảy ra suối Ia Puch.

tm-img-alt

Hồ số 3 chỉ là hố đất được khơi rộng, không phủ bạt chống thấm, từ đây nguồn nước nguy hại tiếp tục thấm vào đất có nguy cơ ảnh hưởng mạch nước ngầm.

Bãi chôn lấp chất thải rắn của thành phố Pleiku được UBND thành phố Pleiku đầu tư và đưa vào vận hành sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do kinh phí còn hạn chế nên chưa đầu tư hoàn chỉnh các công trình bảo vệ môi trường, đặc biệt là hệ thống xử lý nước rỉ rác. Do điều kiện thời tiết mưa lớn kéo dài (mùa mưa năm 2018) nên để xảy ra sự cố, UBND thành phố Pleiku (Đơn vị chủ đầu tư) đã chủ động chỉ đạo Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai khắc phục kịp thời (Chấm dứt tình trạng nước rỉ rác chảy ra suối la Puch; Cải tạo hệ thông mương thoát nước mưa chảy tràn, không để nước mưa chảy tràn chảy vào ô chôn lấp rác thải).

Qua quá trình giám sát và có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn, từ sau sự cố năm 2018 đến nay, Bãi chôn lấp chất thải rắn của thành phố Pleiku đã được cải tạo hệ thống mương thoát nước mưa đảm bảo tiêu thoát nước, gia cố hệ thống để bao các hồ xử lý không để nước rỉ rác chảy ra suối”.

Trái ngược với Văn bản Sở TN&MT trả lời, theo ghi nhận thực tế của PV, nước thải từ bãi rác chảy ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm mà không thông qua hệ thống thu gom nước thải hồ sinh học.

Tình trạng ô nhiễm tại nơi đây đáng báo động khi nước thải nguy hại chảy tràn ra môi trường, nước thải đổ ra rừng thông, có nguy cơ rừng thông đang bị “bức tử”.

Việc ô nhiễm tại bãi rác xã Gào đã xảy ra từ nhiều năm trước và đã được MT&ĐT phản ánh tình trạng này, thế nhưng cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp xử lý dứt điểm và áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với tình trạng ô nhiễm tại bãi rác xã Gào. Liệu có sự bao che trong việc xử lý tình trạng ô nhiễm tại đây hay không? Và tình trạng ô nhiễm nêu trên trong nhiều năm qua, tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm?

Đề nghị UBND tỉnh Gia Lai nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng trên và có văn bản trả lời đến Văn phòng đại diện khu vực Tây Nguyên tại Gia Lai.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
Một vài hình ảnh PV ghi nhận tại hiện trường.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích