Gia Lai: Nhiều địa phương xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Gia Lai: Nhiều địa phương xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Nguyễn Giác –  Thứ bảy, 26/11/2022 07:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đã nhiều lần các vụ vi phạm khai thác khoáng sản được báo chí phản ánh trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhưng chuyện đâu lại vào đấy, quy mô khai thác lớn hơn, công khai hơn…

Từ thành thị…

Tại TP Pleiku là địa bàn được bố trí các lực lượng, cán bộ chuyên trách gần như là mạnh nhất trong 17/17 huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh Gia Lai. Tuy vậy, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra.

Giữa tháng 11/2022, sau khi nhận được nguồn tin từ người dân cung cấp, tại khu vực giáp với ruộng lúa (cách UBND xã Gào gần 6km) có nhiều người đang tập trung đào đất để lấy những khối đá to, sau đó đưa đến khu vực khác để đập nhỏ phục vụ cho việc xây dựng công trình.

Việc này đã diễn ra từ rất lâu trên địa bàn nhưng không được xử lý dứt điểm. Để xác nhận thông tin trên, PV đã đến gần địa điểm ghi nhận. Tại đây, có khoảng 10 người cùng thiết bị máy đào chuyên dụng đang hoạt động rầm rộ, nhóm thì đập đá, người thì vận hành thiết bị để đưa những khối đá to lớn ra khỏi lòng đất.

tm-img-alt

Hiện trường khai thác đá trái phép tại xã Gào, TP Pleiku.

Sau một lúc, có phương tiện là ô tô tải cỡ lớn di chuyến đến bãi khai thác để đưa số đá đã được đập nhỏ lên xe đưa đi tiêu thụ. Nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi trên, PV đã liên hệ lãnh đạo Xã, Chủ tịch UBND TP Pleiku báo cáo sự việc để chỉ đạo kiểm tra kịp thời.

Ngay sau đó, đoàn kiểm tra gồm công an, cán bộ địa chính của UBND xã Gào có mặt ghi nhận hiện trường và lập biên bản xử lý. Ông Trần Ngọc Thanh – Chủ tịch UBND xã Gào cho biết: Sau khi kiểm tra, đoàn xác nhận, lập biên bản, tịch thu các tang vật vi phạm và đưa về trụ sở Xã để xử lý, báo cáo sự việc lên cấp trên chỉ đạo theo quy định. Riêng chiếc xe chở đá được xử phạt và yêu cầu lái xe ký cam kết không vi phạm trong vận chuyển khoáng sản trái phép.

Cũng tại địa bàn xã Gào, một số hộ dân tận dụng việc cải tạo đất đã cày xới nhiều khu vực đồi, rẫy gom đá khối sau đó tự đập hoặc thuê người về làm sau đó liên hệ các phương tiện đến chở đi tiêu thụ. Việc làm này PV đã thông tin đến chính quyền, tuy nhiên sau đó tình trạng khai thác đá trái phép để bán vẫn diễn ra bình thường.

Tại địa bàn TP Pleiku, mới đây, tại làng Do-Guăh, xã Chư Á một bãi đá khai thác trái phép với quy mô lớn, nhiều hố sâu còn nguyên những khối đá lớn, xung quanh có 1 máy đào, hàng trăm khối đá to được chất thành đống và có khoảng 1.000 viên đá được đập nhỏ để bán phục vụ công trình. Vụ việc được UBND TP Pleiku chỉ đạo xử lý và phạt tiền chủ vi phạm.

tm-img-alt

Hoạt động đào cát trên đất nông nghiệp sau đó đưa xuống lòng suối để bơm, rửa chuyển thành cát xây dựng đang diễn ra tại huyện Chư Păh.

Đến nông thôn

Cách trung tâm TP Pleiku khoảng 20km, huyện Chư Păh hiện có nhiều điểm khai thác mỏ cát, đất, đá được UBND tỉnh cấp phép. Tuy vậy, có không ít mỏ khoáng sản hoạt động trái quy định, khai thác ngoài tọa độ, không lắp đặt thiết bị cân giám sát tải trọng, camera ghi nhận hoạt động mỏ, xe không di chuyển qua cân khi đã lấy hàng trước lúc rời khỏi mỏ khoáng sản.

Được biết, tại địa bàn xã Đăk Tơ Ve và Hà Tây, nơi đang có mỏ cát Hưng Cường hoạt động, mỏ này được UBND tỉnh cấp phép hoạt động từ năm 2014 với phạm vi khai thác 2.16ha. Sau nhiều năm hoạt động, quá trình vận hành mỏ đã gây sạt lở đất 2 bên bờ suối, làm mất đất sản xuất của nhiều hộ dân trong xã. Nhân dân đã kiến nghị nhiều lần và được chính quyền yêu cầu khắc phục giữ nguyên hiện trạng, tránh tác động đến môi trường tiếp tục gây sạt lở đất của người dân canh tác.

Chưa dừng lại ở việc nêu trên, mới đây, theo ghi nhận của PV vào chiều 17/11, trên đoạn suối nhỏ, 2 bờ đất thuộc địa bàn của 2 xã Đăk Tơ Ve và Hà Tây đang bị cày xới nham nhở bởi thiết bị máy đào. Cách chiếc máy đào không xa là 3 bộ máy bơm cát đặt dưới lòng suối liên tục nổ máy bơm cát lên bờ.

Qua tìm hiểu bước đầu, toàn bộ khu đất đang bị cày xới và các thiết bị bơm hút cát đều nằm ngoài vị trí được cấp phép của mỏ Hưng Cường. Các xe ô tô vào chở cát trên tuyến đường này cũng thường xuyên chở hàng vượt thành thùng, có ngọn vượt cả đầu xe tải lưu thông trên đường. Sự việc trên được thông tin đến chính quyền của 2 xã để kiểm tra xử lý.

tm-img-alt

Xe ô tô tải chở cát vượt tải trọng và có ngọn lưu thông trên địa bàn huyện Chư Pah.

Trao đổi với ông Biên- Chủ tịch UBND xã Hà Tây, ông nói: 2 Xã đã lập biên bản và báo cáo lên huyện để xử lý. Cũng mong là sớm chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép tại đây nhân dân ý kiến, chính quyền xử lý nhiều lần rồi.

tm-img-alt
Mỏ cát Tâm An Gia Lai, bên dưới lòng suối cắm đầy cây gỗ và thiếu các thiết bị theo quy định nhưng vẫn khai thác lén lút để buôn bán cát xây dựng.

Tại xã AYun, huyện Mang Yang, mỏ cát Tâm An Gia Lai do Công ty TNHH Tâm An Gia Lai vận hành, khai thác. Sau nhiều lần kiến nghị của nhân dân, chính quyền huyện Mang Yang đã chỉ đạo ngừng hoạt động mỏ để rút các cọc gỗ cắm sâu dưới lòng suối làm thay đổi dòng chảy, ngăn cát phục vụ khai thác khoáng sản không đúng quy định. Đồng thời yêu cầu chủ mỏ lắp đặt các thiết bị theo quy định như cân tải trọng, camera giám sát. Tuy vậy, việc bơm hút cát tại mỏ Tâm An Gia Lai vẫn diễn ra.

Trên địa bàn huyện Krông Pa, tại một số vị trí trên dòng sông Ba vẫn để xảy ra tình trạng người dân đưa xe chuyên chở vào sát bờ sông, sau đó 1 nhóm người dùng xẻng đưa cát lên xe. Hoạt động này không diễn ra rầm rộ như việc dùng thiết bị cơ giới nhưng cũng cần được kiểm tra, xử lý. Nếu nhu cầu sử dụng cát xây dựng lớn thì cơ quan chức năng sớm bổ sung mỏ cát, tiến hành đấu giá theo quy định trong thời gian đến.

tm-img-alt

Một điểm khai thác cát trên bờ sông Ba, huyện Krông Pa được ghi nhận sáng 23/11.

Việc khai thác khoáng sản trái phép, thậm chí các mỏ được cấp phép hoạt động, nhưng lại khai thác ngoài tọa độ mà không được xử lý triệt để, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm từ thành phố Pleiku đến huyện Krông Pa xa xôi đã gióng lên một hồi chuông báo động.  

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích