Gia Lai: Khai thác, vận chuyển đá trong đêm tại Kông Chro có đúng quy định?
Gia Lai: Khai thác, vận chuyển đá trong đêm tại Kông Chro có đúng quy định?
Thực trạng khai thác, vận chuyển đá trong đêm tối liên tục diễn ra tại huyện Kông Chro, việc làm này đúng hay sai, chính quyền địa phương bao giờ có câu trả lời?
Hoạt động khai thác đá vẫn diễn ra trong đêm
Huyện Kông Chro hiện có 6 mỏ đá được cấp phép hoạt động với diện tích trên 20ha, nguyên liệu khai thác chính là đá bazan làm vật liệu xây dựng thông thường, đá ốp lát. Các mỏ và cơ sở chế biến tập trung quanh địa bàn thị trấn Kông Chro và xã Kông Yang.
Tình trạng khai thác đá trái phép, gây ô nhiễm môi trường, khai thác ngoài tọa độ, xe vận chuyển đá không đảm bảo an toàn giao thông diễn ra cả ngày lẫn đêm trên địa bàn Huyện được báo chí phản ánh, đến nay sự việc này vẫn chưa được chính quyền xử lý và liên tục tiếp diễn trong thời gian qua.
Trong tháng 6/2022, qua ghi nhận sự việc, PV đã thông tin tình trạng khai thác đá tại nơi không được cấp phép đến UBND xã Kông Yang để kiểm tra, xử lý. Đến đầu 8/2022, qua ghi nhận tại khu vực có tọa độ X: 1529491; Y: 503932 rực lên nhiều ánh sáng và tiếng động cơ.
Tiếp cận khu vực trên, PV phát hiện một chiếc máy đào đang khai thác đá. Các khối đá sau khi đào bới lên từ lòng đất được xe tải vận chuyển trên đường tỉnh lộ và rẽ vào khu vực mỏ, nhà máy chế biến đá Công ty TNHH Đào Kỳ (xã Kông Yang).
Hoạt động trên được ghi nhận, UBND xã Kông Yang cũng đã đến hiện trường kiểm tra. Tuy nhiên từ đó đến nay, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam vẫn chưa nhận được phản hồi về hướng xử lý cũng như kết luận của các cấp chính quyền Xã và huyện Kông Chro về vấn đề trên.
Chưa dừng lại ở những vụ việc trên, từ nguồn tin báo của nhân dân trong vùng, chiều ngày 3/9/2022, PV tiếp tục ghi nhận tại tọa độ (X:1530281, Y:503880-VN2000) có một máy đào hiệu Hitachi liên tục đào các hố sâu để đưa những khối đá hình lục giác lên bờ. Hoạt động khai thác đá này diễn ra liên tục từ chiều đến rạng sáng hôm sau.
Hoạt động khai thác đá trong đêm có đúng quy định hay không? Đơn vị nào khai thác và quản lý việc đào đất lấy đá tại khu vực này? Ông Đào Quốc Định-Chủ tịch UBND xã Kông Yang cho biết: Xã sẽ chỉ đạo kiểm tra và thông tin trả lời báo chí khi có kết quả.
Đến nay, sau nhiều tháng vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính quyền, liệu rằng việc khai thác, vận chuyển đá tại đây đang được UBND xã Kông Yang bỏ qua, không báo cáo lên cấp trên?
Sai phạm vẫn diễn ra?
Cùng trên địa bàn Huyện này, tại thị trấn Kông Chro cũng đang diễn ra nhiều hoạt động khai thác đá với quy mô lớn. Đầu 8/2022, vào chiều tối, tại vị trí cách UBND huyện Kông Chro 3km (cách trục đường tỉnh 674 khoảng 700m) có nhiều phương tiện cơ giới tập trung để khai thác, vận chuyển đá trụ nguyên khối cỡ lớn lên xe đầu kéo.
Sau nhiều giờ theo dõi, toàn bộ khối lượng đá sau khi phân loại với những trụ đá hình lục giác lớn sẽ được đưa lên xe đầu kéo để vận chuyển từ điểm khai thác ra đường tỉnh 674 sau đó hướng về quốc lộ 19, số đá nhỏ hơn cũng được vận chuyển đi nơi khác ngay trong đêm. Hoạt động đào bới đất đá kèm tiếng động của thiết bị cơ giới cỡ lớn rầm rộ giữa đêm được PV ghi nhận.
Cũng tại vị trí nêu trên, tối 3/9 đến rạng sáng 4/9, lần theo tiếng động cơ, PV tiếp tục phát hiện các hoạt động khai thác khoáng sản. Lần này, chiếc máy đào bật đèn sáng rực và hoạt động theo sự chỉ dẫn của một người đàn ông mặc đồng phục. Từ khu vực bờ đất, người đàn ông cầm đèn pin để chỉ hướng cho người điều khiển máy đào di chuyển thiết bị lật tung bãi đất để đưa đá lên bờ và san lấp đất trở lại nhằm xóa đi dấu vết đã đào phá.
Về việc khai thác đá rầm rộ trên địa bàn huyện được PV ghi nhận, phản ánh, ông Phạm Đình Long-Trưởng phòng TN&MT huyện Kông Chro cho biết: Phòng đã kết hợp cùng UBND thị trấn Kông Chro, UBND xã Kông Yang để kiểm tra, xác minh và yêu cầu chủ doanh nghiệp phối hợp làm rõ. Tuy nhiên, vì lý do riêng chủ doanh nghiệp khai thác đá Hải Lai vẫn chưa đến Phòng để làm việc. Sự việc này Sở TNMT cũng đã có yêu cầu báo cáo, chúng tôi sẽ kiểm tra và tổng hợp báo cáo chi tiết sau.
Trao đổi tiếp vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Ẩn – Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho rằng: Huyện đã yêu cầu xử lý theo quy định và báo cáo sự việc. Tuy nhiên, việc phát ngôn do Chủ tịch huyện chỉ đạo, nên không cung cấp được. Ngay sau đó, PV có gọi điện đến Chủ tịch UBND huyện Kông Chro để có sự chỉ đạo về việc phát ngôn trong xử lý sai phạm khai thác đá tại địa phương, nhưng vị Chủ tịch huyện không nghe máy.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Sau khi nhận được phản ánh từ Môi trường và Đô thị, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai đã ban hành Văn bản số: 3226/STNMT-KS-TNN, ngày 10/8/2022 về việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc khai thác khoáng sản tại xã Kông Yang và thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro. Nội dung văn bản trên nêu: Thực hiện Quyết định số 462/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Kông Yang và Uỷ ban nhân dân thị trấn Kông Chro thực hiện một số nội dung sau:
Kiểm tra, xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái phép theo nội dung phản ánh của cơ quan báo chí tại khu vực thôn 2, xã Kông Yang, huyện Kông Chro (nếu có) và việc khai thác ngoài tọa độ được cấp phép của Công ty Cổ phần liên danh Hải Lai tại thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro (nếu có). Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/8/2022 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo đồng thời phản hồi thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý đến báo Môi trường và Đô thị theo quy định.
Thường xuyên thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật về khoáng sản, đặc biệt đối với các khu vực thường xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Thực hiện nghiêm Quyết định số 462/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về phân công trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Quyết định số 85/QĐ-UBND ngày 15/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Các nội dung văn bản nêu trên đã đề cập rõ trách nhiệm và cụ thể thời gian báo cáo kiểm tra, xử lý các sai phạm về Sở TN&MT, tuy nhiên, đến nay Sở TN&MT và Văn phòng Môi trường và Đô thị khu vực Tây Nguyên vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi, xử lý từ các cấp chính quyền huyện Kông Chro.
Trao đổi với PV, ông Phạm Duy Du – Giám đốc Sở TN&MT khẳng định: UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo trách nhiệm rất cụ thể ở từng địa phương khi để xảy ra sai phạm. Riêng việc khai thác đá tại huyện Kông Chro thì người đứng đầu UBND cấp xã, huyện đó phải chịu trách nhiệm và có thông tin phản hồi đến báo chí.
Ngày 7/9, theo tìm hiểu của PV, huyện Kông Chro vẫn chưa có báo cáo về Sở TN&MT và Văn Phòng Môi trường & Đô thị khu vực Tây Nguyên không nhận được phản hồi nào sau phản ánh về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Kông Chro.
Việc khai thác, vận chuyển đá diễn ra trong đêm trên địa bàn huyện Kông Chro có đúng quy định hay không? Đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, đồng thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.
Môi trường và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị