Gia Lai: Đưa nước sạch về với buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số

Niềm vui có nước sạch

Những ngày này, người dân xã Đak Tơ Ve (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) rất phấn khởi khi tiếp nhận 6 công trình nước sạch từ dự án “Giếng sạch trao buôn” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức ASIF Autralia Limited hỗ trợ. Dẫn chúng tôi tới công trình nước sạch của làng, ông Đưnh (làng Om, xã Đăk Tơ Ve) cho biết: Hơn 10 năm nay, dân làng lấy nước từ công trình do Nhà nước đầu tư vào năm 2005. Thế nhưng, cứ đến mùa khô, công trình này bị thiếu nước nên bà con phải đi lấy thêm nước từ các khe suối và giọt nước của làng.

“Nước ở giọt và khe suối vào mùa khô cũng rất ít, không trong mà có lúc còn hơi đục. Nước ở đây cũng không đảm bảo vệ sinh. Bây giờ có thêm công trình nước sạch, bà con dân làng ở đây vui lắm, không còn lo thiếu nước dùng nữa”, ông Đưnh bày tỏ.

anh-1(1).jpg
Người dân Gia Lai tham gia lễ khởi công dự án “Giếng sạch trao buôn”

Nói về tính thiết thực của công trình, ông Lái – Bí thư Chi bộ làng Om cho biết: Làng có 83 hộ nhưng chỉ có 8 hộ có giếng. Vì vậy, bà con gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nước trong sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô. Do vậy, khi được đầu tư công trình nước sạch kinh phí hàng trăm triệu đồng mà dân làng không phải đóng góp một đồng nào, ai trong làng cũng rất phấn khởi.

Tương tự, 119 hộ dân làng Mor (xã Đăk Tơ Ve) cũng vui mừng khi công trình “Giếng sạch trao buôn” được đưa vào sử dụng. Ông Tem – Trưởng thôn Mor cho hay: Cứ vào mùa khô, 60% giếng nước trong làng bị cạn nên không đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt. Bà con tập trung về công trình nước giọt của làng và các khe ruộng, khe suối để lấy nước về sử dụng nên không đảm bảo vệ sinh. Khi được đầu tư công trình nước sạch này, người dân trong làng mừng lắm. Ai cũng bảo ban nhau phải sử dụng nước tiết kiệm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Trung – Phó Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Ve cho biết: Toàn xã có 5 làng với 560 hộ nhưng chỉ có khoảng 60% hộ dân có giếng nước, số còn lại thường phải sử dụng nước giọt. Đặc biệt, ở khu vực đầu nguồn, bà con canh tác lúa nước nên hay sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật khiến nguồn nước giọt dẫn về không đảm bảo vệ sinh. Mặt khác, cứ tới đầu tháng 3 hàng năm, các giếng và giọt nước cạn kiệt không đủ cung cấp cho người dân.

anh-2.jpg

Công trình nước sạch mới hoàn thành tại xã Đăk Tơ Ve (huyện Chư Păh)

“Những năm trước, Nhà nước và các nhà hảo tâm cũng đã quan tâm đầu tư một số giếng nước và công trình nước giọt để người dân sử dụng nhưng vẫn chưa đảm bảo. Vì thế, khi được hỗ trợ xây dựng 6 công trình nước sạch này, bà con rất phấn khởi. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các thôn, làng lập tổ tự quản giếng nước và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sử dụng nước từ công trình để đảm bảo vệ sinh”, ông Trung thông tin.

“Phủ sóng” công trình nước sạch

Theo ông Dương Đình Diện – Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Gia Lai, dự án “Giếng sạch trao buôn” có tổng vốn đầu tư 24,8 tỉ đồng từ nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Dự án thực hiện theo hình thức chìa khóa trao tay, tổ chức ASIF tiến hành khoan giếng hoàn chỉnh, kết hợp với Hội Chữ Thập đỏ tỉnh bàn giao lại cho các địa phương tiếp nhận, quản lý, vận hành.

Dự án này sẽ trao tặng 200 công trình giếng khoan, bao gồm: Hệ thống giếng khoan, bồn chứa nước inox 3.000 lít, hệ thống tự động bơm nước và lấy nước sử dụng. Dự án triển khai trên địa bàn 14 huyện của tỉnh Gia Lai giai đoạn từ 2021-2023. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 2.000 người dân vùng đồng bào DTTS đang khó khăn về nước sạch.

anh-3.jpg
Có nước sạch sử dụng, người dân làng Om rất vui mừng

Ông Diện cho hay: Hiện, đơn vị tài trợ đã thực hiện xong 39 công trình nước sạch tại địa bàn 3 huyện Chư Păh, Ia Grai và Chư Prông. Tới đây, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ phối hợp với tổ chức tài trợ, chính quyền địa phương tổ chức lễ bàn giao công trình cho các cộng đồng dân cư thụ hưởng quản lý, sử dụng. Tiếp theo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục khảo sát để xác định vị trí đặt giếng tại các địa phương còn lại.

“Dự án “Giếng sạch trao buôn” có ý nghĩa lớn trong việc cung cấp nước sạch cho người dân ở vùng đồng bào DTTS, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt hay xảy ra, đặc biệt là vào mùa khô. Qua đó, đảm bảo người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Từ những công trình này, chính quyền địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức về sử dụng nước sạch, từ bỏ thói quen dùng nước giọt, nước suối không đảm bảo vệ sinh”, ông Diện nhấn mạnh.

Bạn cũng có thể thích