Gia Lai đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong năm 2024
Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm phát triển hoạt động xúc tiến thương mại gắn với thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế, bám sát định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại năm 2024, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; phối hợp gắn kết các hoạt động xúc tiến thương mại mang lại hiệu quả thiết thực cho các chủ thể kinh doanh.
Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu và kết nối giao thương đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; chú trọng hỗ trợ các sản phẩm chủ lực thế mạnh của tỉnh.
Duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đứng vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Khai thác, huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong hoạt động xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
Kế hoạch đã đề ra các nội dung để thực hiện xúc tiến thương mại gồm: đối với Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa của tỉnh thông qua các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình của Trung ương và của tỉnh; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh;
Tổ chức hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương, phiên chợ, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi;
Tham gia trưng bày sản phẩm hàng hóa tại các hội chợ, hội nghị kết nối giao thương, hội thảo xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh;
Phát triển các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các đặc sản của tỉnh;
Phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Về Chương trình xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương: Tăng cường công tác thông tin về thị trường nước ngoài thông qua trang thông tin điện tử của sở, tỉnh;
Tăng cường công tác thông tin, hướng dẫn kịp thời đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về các văn bản pháp luật, các chính sách mới có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu;
Tích cực mời gọi, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu theo các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương và các đơn vị khác,…
Do đó, UBND tỉnh yêu cầu hoạt động xúc tiến thương mại phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, gắn kết các hoạt động xúc tiến thương mại (nội thương và ngoại thương), xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch, các chương trình, đề án như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP;
Các chương trình kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;
Bên cạnh đó, đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại … Song song với đó cần phối hợp hỗ trợ công xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu vào các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng đặc trưng, chủ lực của tỉnh, nông sản an toàn, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp với Sở Công Thương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu