Gia Lai: Đá tặc lộng hành – chính quyền huyện Chư Sê “ở đâu” ?
Gia Lai: Đá tặc lộng hành – chính quyền huyện Chư Sê “ở đâu” ?
Xã Hbông, huyện Chư Sê nơi thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép và được chính quyền xã vào cuộc, xử lý, tuy nhiên, nạn khai thác đá vẫn ngang nhiên hoạt động. Các cấp hính quyền huyện Chư Sê ở đâu để “đá tặc” lộng hành.
Đá tặc lộng hành
Từ nguồn tin phản ánh, sáng 29/9, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã trực tiếp ghi nhận tại một số nơi đang có dấu hiệu khai thác đá trái phép tại xã Hbông.
Tại vị trí cách QL25 khoảng 3,8km về hướng Tây Nam đang diễn ra hoạt đông đào đất bằng thiết bị cơ giới để khai thác, sau đó tập chung đá khối nguyên liệu về 1 điểm để trực tiếp sản xuất đá xây dựng tại đây để đưa đi tiêu thụ. Tại thời điểm ghi nhận có hàng trăm viên đá đã được tập kết và nhiều nơi có lượng đá đã đập thành phẩn là khá lớn.
Tiếp tục di chuyển trên tuyến đường sương cá nối với QL25 qua địa bàn xã HBông, tại vị trí cách mỏ đá Bazan Anh Khoa khoảng hơn 400 m về hướng Tây bắc là một khu vực được tập kết rất nhiều khối đá tự nhiên, trong đó có nhiều khối to có đường kính từ 70-150cm. Tiến sâu vào khu vực tập kết đá, PV ghi nhận có nhiều viên đá được gia công hoàn thiện xếp gọn thành từng cụm riêng biệt. Trong lúc ghi nhận có 2 thợ miệt mài khoan và đập đá không mấy quan tâm đến người lạ có mặt.
Khi hỏi thợ làm đá và người trông coi khu vực này thì được biết, chủ bãi đá xây dựng đang được triển khai tại đây là ông Huy sinh sống tại huyện Phú Thiện, số đá được gom từ nhiều nơi quanh khu vực này để đưa về và chẻ bán. Việc chẻ đá mới được làm mấy ngày nay.
Tiếp tục di chuyển, PV ghi nhận thêm 1 điểm tập kết đá nằm cạnh khu vực xưởng chế biến đá với rất nhiều khối đá to, thiết bị cơ giới và chừng 5-6 người thợ đang tập trung làm việc tại khu vực này. Theo ước tính có trên 3.000 viên đá được gia công hoàn thiện, còn lại là nhiều khối đá bazan với đủ kích cỡ được tập trung tại đây. Những khối đá này ở đâu và ai là người đứng ra tập kết, sản xuất đá xây dựng vẫn chưa nắm rõ. Nhưng việc tập kết đá với nhóm thợ làm công khai ngay trên trục đường chính phải chăng là cơ sở sản xuất đã được cấp phép và được chính quyền quản lý cơ sở này.
Chưa dừng lại ở 3 địa điểm khai thác, chế biến đá xây dựng nêu trên, di chuyển tiếp tục theo hướng từ QL25 vào làng Ring, tại khu vực đất sản xuất (cách điểm trường làng Ring khoảng 500) xuất hiện khu vực tập kết nhiều khối đá to nhỏ khác nhau dọc một rạch nước nhỏ. Nhiều người tập trung tại đây để khoan, đập để sản xuất ra các viên đá xây dựng. Ngoài việc đào bới, tập kết đá thành bãi lớn để tiến hành khoan, đập sản xuất đá, thì tại khu vực này thương xuyên có các loại thiết bị cơ giới như xe máy đào, xe ben lớn nhỏ để sẵn sàn phục vụ nhu cầu mua bán, vận chuyển đá đi và đến nơi đây.
Ngoài các vị trí khai thác đá nêu trên, trước đó, PV đã nhiều lần phản ánh về tình trạng khai thác đá trái phép với quy mô lớn với những loại xe cơ giới, xe chuyên dụng để vận chuyển các khối đá lớn rời khỏi địa bàn ngay trong đêm. Chưa dừng lại ở các điểm khai thác nhỏ lẻ, nhiều đối tượng tổ chức nhóm đông nhân công vào các khu vực xa dân cư, khu vực đất rừng để tiến hành khai thác và vận chuyển ngay trong ngày.
Chính quyền ở đâu?
Từ thực tế ghi nhân trên, PV đã thông tin đến UBND để tiến hành xử lý, tuy nhiên, sáng 29/9 UBND xã diễn ra nhiều cuộc họp nên không có cán bộ trực tiếp xử lý. Chuyển các nội dung qua hệ thống thông tin liên lạc, Chủ tịch UBND xã Hbông Phạm Hữu Viên cho biết: Xã ghi nhận và sẽ chỉ đạo kiểm tra ngay.
Đến chiều 29/9, PV có liên hệ lại để xác nhận việc tiến hành kiểm tra, xử lý như thế nào? Chủ tịch UBND xã Hbông thông tin: Xã đã lập biên bản để tiếp tục xử lý.
Làm việc tại UBND xã Hbông, qua trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đình Đạt, ông cho rằng: Việc khai thác đá trái phép các cấp chính quyền đã triển khai rất quyết liệt, nhưng địa bàn rộng nên khó tránh khỏi tình trạng lén lút vẫn diễn ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát trong thời gian đến.
Trước đó, 8/2023 cũng trên địa bàn xã Hbông, khi di chuyển qua địa bàn, PV đã phát hiện 1 số người dân tụ tập, đào đất gom đá bazan dạng khối lớn vận chuyển đến khu vực cách vị trí đào khoảng 600m để cất giữ và chế tác đá xây dựng. Nhận được thông tin trên, lãnh đạo UBND xã Hbông đã chỉ đạo lực lượng phối hợp tiến hành kiểm tra, làm rõ động cơ và lập biên bản xử lý.
Mới đây, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai cũng đã tiến hành ghi nhận thực tế tại một số điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn. Qua đó ghi nhân và đề nghị địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm nạn khai thác đá trái phép diễn ra tại huyện.
Tình trạng khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn toàn huyện Chư Sê nói chung và xã Hbông nói riêng đang diễn ra phức tạp và có dấu hiệu buông lỏng quản lý, nhẹ tay trong xử lý của các cấp chính quyền cũng như cơ quan chuyên môn. Do vậy, việc nhiều điểm khai thác, chế biến đá xây dựng vẫn ngang nhiên diễn ra mỗi ngày, nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết.
Để chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trước đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu tổ chức, cá nhân đã để xảy ra khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Vậy chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai có còn hiệu lực? “người đứng đầu” chịu trách nhiệm gì khi khoáng sản trái phép vẫn diễn ra từng ngày?
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị