Gia Lai: Cửa ngõ TP. Pleiku nhếch nhác do vướng quy hoạch
Nỗi lòng người dân ở chân núi Hàm Rồng
Thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều thông tin của người dân đang sinh sống tại thôn Hàm Rồng, phường Chi Lăng, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) phản ánh về việc, suốt thời gian dài vừa qua, hàng chục, thậm chí cả trăm hộ dân tại đây lâm vào cảnh có đất nhưng không thể xây dựng; đi không được, ở cũng không xong. Buộc họ phải sống tạm bợ, nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn xảy ra lúc nào không hay.
Sáng 3/8, phóng viên Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn đã tìm đến chân núi Hàm Rồng để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân nơi đây.
Từ chân núi Hàm Rồng hùng vĩ, mộng mơ và tuyệt đẹp, cách đó chừng vài ba cây số về phía Nam là Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng của CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai nức tiếng khắp Đông Nam Á.
Hướng về phía Bắc khoảng 10km là TP. Pleiku xinh đẹp, được công nhận đô thị loại I cách đây hơn 2 năm về trước. Thế nhưng, khi nhắc đến việc an cư, lạc nghiệp thì người dân nơi đây lại thở dài, ngao ngán.
Chị Lương Thị Mỹ Xuyến – một chủ bán quán tạp hóa ở thôn Hàm Rồng, chia sẻ: Tôi ở đây từ năm 15 tuổi, nay bước qua tuổi 50. Đã nhiều lần gia đình tôi định xây nhà ở kiên cố để yên tâm buôn bán lâu dài, nhưng chính quyền địa phương nói không được vì khu vực này nằm trong khu vực quy hoạch đất quốc phòng- an ninh. Nhưng đã rất lâu rồi mà chẳng thấy cơ quan chức năng triển khai kế hoạch theo qui hoạch”.
“Nếu không cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không cho xây dựng nhà ở kiên cố thì chính quyền địa phương cũng nên có phương án bồi thường, hỗ trợ người dân và sớm di dời người dân ra khỏi vùng quy hoạch để chúng tôi có thể ổn định cuộc sống lâu dài”, chị Xuyến than thở.
Cùng chung tình cảnh tương tự, anh Nguyễn Kiên Vũ – thôn Hàm Rồng, kiến nghị: “Vừa rồi tôi có xem truyền hình, được biết, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm đến tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”. Qua đây, tôi đề nghị chính quyền TP. Pleiku và tỉnh Gia Lai, nếu quy hoạch không khả thi thì sớm có phương án bỏ quy hoạch tránh việc “quy hoạch treo” quá lâu, hoặc bồi thường và di dời các hộ dân tới một vị trí mới để chúng tôi có thể an cư, lạc nghiệp”.
Rơi vào tình cảnh “đi không được, ở cũng không xong” buộc người dân ở khu vực này phải sống tạm bợ, tre nứa, tôn bạt chắp vá chằng chịt, nhếch nhác tiềm ẩn nguy cơ tai nạn xảy ra lúc nào không hay, mất mỹ quan đô thị.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền
Liên quan đến khu vực này, ngày 31/12/2001, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt quy hoạch núi Hàm Rồng. Khu vực núi Hàm Rồng được quy hoạch với tính chất chủ yếu thành khu quốc phòng và rừng phòng hộ, xác định ranh giới khu vực nghiêm cấm xây dựng các công trình kiến trúc ngoài mục đích quân sự.
Đồng thời, căn cứ Quyết định số 292/QĐ-UBND ngày 04/6/2019 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch TP. Pleiku thì vị trí khu vực Hàm Rồng không thuộc hạng mục đất ở (thuộc hạng mục quy hoạch đất nông nghiệp, đất quốc phòng và đất rừng phòng hộ)…
Cách đây gần 6 tháng, Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn đã có bài viết liên quan đến khu vực này.
Được biết, UBND TP. Pleiku đã chỉ đạo Phòng Quản lý Đô thị trong quá trình lập quy hoạch chi tiết núi Hàm Rồng, rà soát hiện trạng sử dụng đất, trên cơ sở quy định của ngành, định hướng phát triển của Thành phố, nghiên cứu bố trí quỹ đất tái định cư tại chỗ để tạo điều kiện cho người sử dụng đất di dời về nơi ở mới ít bị ảnh hưởng đến đời sống.
Cùng với đó, giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố nghiên cứu phương án thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng làm cơ sở triển khai các bước theo quy định.
Hiện nay, UBND TP. Pleiku tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất các bước triển khai đề án giải phóng, di dời và tái định cư cho các hộ dân tại khu vực núi Hàm Rồng, phường Chi Lăng.
Theo UBND TP. Pleiku thì sẽ bồi thường, di dời và bố trí tái định cư cho người dân tại khu vực núi Hàm Rồng. Tuy nhiên, điều mà người dân nơi đây mỗi ngày mỏi mòn trông ngóng là… đợi đến bao giờ?
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu