Gia hạn trái phiếu phải có sự đồng thuận từ trái chủ

Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 có thể tạo ra khuôn khổ pháp lý mới để tìm ra giải pháp cơ cấu nợ trái phiếu, nhưng chuyên gia nhấn mạnh phải có sự đồng thuận của các bên.

Thị trường vốn đang phản ứng tích cực với thông tin Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 và Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Dự thảo đã đưa ra một số thay đổi quan trọng, được kỳ vọng sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt về trái phiếu khiến các doanh nghiệp bế tắc trong suốt thời gian qua.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện quy định mới về nhà đầu tư chuyên nghiệp, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và phân phối trái phiếu trong vòng một năm, tức vẫn thực hiện theo quy định hiện hành cho đến 1/1/2024.

Dự thảo cũng cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ có thể được gia hạn với thời gian tối đa là 2 năm, cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.

Gia hạn trái phiếu phải có sự đồng thuận từ trái chủ
Nhiều thay đổi trong dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được kỳ vọng tháo gỡ nút thắt về trái phiếu. Ảnh: Hoàng Hà.

Đánh giá về các tác động mới, Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng cho rằng việc sửa Nghị định 65 có nhiều điểm mang tính chất tích cực để hỗ trợ thị trường vốn trong ngắn hạn.

“Tuy nhiên không phải bất cứ sự sửa đổi nào cũng đi vào cuộc sống ngay lập tức để cứu được thanh khoản thị trường, do đó nhà đầu tư vẫn cần phải theo dõi thêm”, ông nói.

Thực trạng của thị trường vốn vẫn là yếu tố tâm lý bi quan, dẫn đến khó thuyết phục nhà đầu tư có thể mua trái phiếu doanh nghiệp trở lại ở thời điểm hiện tại.

Do vậy, chuyên gia SSI cho rằng việc dời lịch áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp hay xếp hạng tín nhiệm cũng không có quá nhiều tác động trong ngắn hạn, câu chuyện quan trọng hơn vẫn phải là lấy lại được niềm tin của giới đầu tư.

Đối với việc cho phép chuyển trái phiếu thành khoản nợ hoặc các tài sản khác, ông Hưng đánh giá điều này sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý để các bên có thể đàm phán với nhau, thực hiện một số quyết định gia hạn hay chuyển đổi sang tài sản khác.

Thực tế trên thị trường, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đề xuất nhiều giải pháp như gia hạn lô trái phiếu đến 24 tháng với lãi suất cộng thêm, tham gia hợp tác đầu tư với lãi suất cao, hoặc chuyển đổi sang mua ngay bất động sản với giá chiết khấu 20-50%, cam kết mua lại đến 120% tài sản sau 2 năm…

“Nhưng điều quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận từ phía các trái chủ mới xử lý được”, ông phản biện về việc nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng tất cả trái phiếu sẽ được gia hạn khi dự thảo có hiệu lực.

Cơ quan quản lý đang xem xét một khuôn khổ pháp lý để nhà đầu tư tìm được giải pháp cơ cấu nợ trái phiếu, còn việc thực hiện được không vẫn là quan hệ giữa trái phiếu và nhà phát hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Cơ quan này nhanh chóng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán làm việc với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn và khối lượng sắp đáo hạn lớn để có kế hoạch/giải pháp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ.

Trường hợp gặp khó khăn trong thanh toán cần chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa như gia hạn, điều chỉnh lãi suất, hoán đổi tài sản, hạ giá sản phẩm…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích