Gia hạn rà soát cuối kỳ chống bán phá giá thép hình chữ H của Trung Quốc

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1377/QĐ-BCT về việc gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trước đó, ngày 13/10/2021, Bộ Công Thương có Quyết định số 2301/QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép hình chữ H.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Quản lý Ngoại thương, thời hạn rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá không quá 9 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát (tức ngày 13/7), trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 3 tháng.

Căn cứ theo thực tiễn vụ việc, để có thêm thời gian xem xét và đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1377/QĐ-BCT nhằm gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo đó, thời hạn rà soát cuối kỳ vụ việc được gia hạn đến ngày 5/9.

5 năm trước, ngày 21/08/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3283/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ Trung Quốc, được phân loại theo mã HS 7216.33.00, 7228.70.10 và 7228.70.90.

Mức thuế chống bán phá giá chính thức là từ 20,48% – 22,09%. Đối với các công ty sản xuất, xuất khẩu không hợp tác, mức thuế là 29,17%

Biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đến ngày 5/9/2022 (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo quy định).”

Tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 16 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Riêng năm 2021, Bộ Công Thương đã hoàn thành điều tra đối với 6 vụ việc, trong đó có 5 vụ việc Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu, đồng thời đã khởi xướng điều tra 3 vụ việc mới. Các vụ việc này dự kiến sẽ có kết quả điều tra trong năm 2022. Bộ cũng tiến hành rà soát 7 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực để cân nhắc điều chỉnh mức độ, phạm vi và thời gian áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích