Gia đình lưu ý gì khi có người già, phụ nữ mang thai tiêm vắc xin Covid-19?

Gia đình lưu ý gì khi có người già, phụ nữ mang thai tiêm vắc xin Covid-19?

Các gia đình cần lưu ý nhiều điều để đảm bảo an toàn cho người già, người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai trước và sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm chủng trên địa bàn từ số vắc xin được phân bổ. Bên cạnh những nhóm đối tượng cũ thì lần này sẽ ưu tiên tiêm thêm 3 nhóm đối tượng mới.

– Người mắc bệnh mạn tính

– Người trên 65 tuổi

– Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên. Với nhóm đối tượng này, sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.

Trước thông tin này, câu hỏi được nhiều gia đình quan tâm là đối với 3 nhóm đối tượng đặc biệt này này trước khi tiêm vắc xin cần lưu ý điều gì. Ngoài ra, việc ăn uống và theo theo dõi sức khỏe trước và sau khi tiêm cần thực hiện ra sao?

Tiem-vac-xin0

TS.BS Phạm Quang Thái – Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương).

Trao đổi với Gia đình Việt Nam, TS.BS Phạm Quang Thái – Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho biết, tiêm vắc xin Covid-19 là biện pháp duy nhất phòng bệnh chủ động và đặc hiệu đối với căn bệnh nguy hiểm gây đại dịch này.

Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, ngành y tế đã phải thực hiện đầy đủ các điều kiện như vắc xin an toàn, vận chuyển an toàn, bảo quản an toàn, tiêm chủng an toàn.

Tuy nhiên, TS.BS Phạm Quang Thái cho rằng chỉ riêng y tế thực hiện là chưa đủ mà cần có sự vào cuộc của người dân thông qua việc tuân thủ những thực hành để đảm bảo cho an toàn của mũi tiêm cả trước và sau.

Người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai nếu mắc Covid-19 thì có thể biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao. Những đối tượng này đều xếp vào diện thận trọng trong tiêm chủng nhưng cũng là đối tượng nguy cơ rất cao nếu mắc COVID-19. Do đó, họ phải được tiêm chủng đặc biệt phải được tiêm sớm nhất nếu họ ở trong vùng nguy cơ. Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho họ, cần lưu ý một số điều sau đây:

Tiem-vac-xin02

Tiêm vắc xin Covid-19 là biện pháp duy nhất phòng bệnh chủ động và đặc hiệu đối với căn bệnh nguy hiểm này.

Trước khi tiêm: Cần khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật của bản thân, đặc biệt là tiền sử dị ứng, tiền sử phản vệ và tiền sử những bệnh lý nền đã, đang mắc (nếu có), các thuốc đang sử dụng và đã sử dụng trong 14 ngày qua thông qua phần mềm/website đăng ký hoặc tại điểm tiêm.

Người đi tiêm cần bảo đảm dinh dưỡng trước và sau khi tiêm chủng. Tuyệt đối không được nhịn đói trước và sau tiêm. Nên ăn vừa đủ no, ngủ đủ giấc trước khi đi tiêm, khi về không được nhịn đói mà phải ăn đủ chất dinh dưỡng và cân đối. Ngủ đủ giấc để miễn dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Tránh tiêm khi đang trong tình trạng căng thẳng hay sợ hãi vì bất cứ nguyên nhân gì. Hít sâu, thở đều cũng làm giảm những căng thẳng không đáng có trong buổi tiêm và hạn chế các phản ứng bất lợi do trùng hợp.

Tiem-vac-xin07

Người già, phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng xếp vào diện thận trọng trong tiêm chủng nhưng cũng là đối tượng nguy cơ rất cao nếu mắc COVID-19.

Sau khi tiêm chủng: Người được tiêm cần được theo dõi tại nơi tiêm ít nhất 30 phút, những trường hợp có tiền sử dị ứng có thể cần theo dõi lâu hơn. Khi về nhà, cần tự theo dõi tình trạng sức khoẻ của bản thân, đặc biệt trong khoảng 48 giờ sau tiêm và nên ở cùng người có khả năng thông báo, hỗ trợ.

Không tự ý bôi đắp lên vị trí tiêm, nếu sốt trên 38,5 độ có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường và theo dõi nhiệt độ liên tục mỗi 30 phút.

Khi thấy có bất kỳ những dấu hiệu bất thường nào như sốt kéo dài không đáp ứng với thuốc hạ sốt, phát ban, khó thở, đau quặn bụng, nôn, choáng, ngất … cần báo ngay cho nhân viên y tế và người nhà đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Dinh-duong13

Nên ăn hoa quả, bổ sung vitamin và khoáng chất như kẽm cũng góp phần nâng cao chất lượng miễn dịch.

Hạn chế vận động mạnh kể cả người khỏe mạnh, tự tin vào sức khỏe. Không vì khó chịu chán ăn mà bỏ bữa, cần ăn đủ chất, uống đủ nước để hạn chế tình trạng sốt và nhanh trải qua vấn đề khó chịu trong cơ thể. Nên ăn hoa quả, bổ sung vitamin và khoáng chất như kẽm cũng góp phần nâng cao chất lượng miễn dịch.

Các phản ứng sau tiêm cần được thông báo cho y tế đặc biệt khi đi tiêm lần 2 để bác sỹ khám phân loại đánh giá tình trạng đáp ứng của mũi tiêm trước. Ngoài ra, việc thu thập thông tin phản ứng cần 2 chiều. Với những người có nguy cơ cao, cán bộ y tế có thể chủ động kiểm tra (trực tiếp/điện thoại/nhắn tin) những dấu hiệu phản ứng vắc xin sau tiêm để có thể phát hiện sớm và có những hướng dẫn, xử lý kịp thời.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bạn cũng có thể thích