Giá điện cho trạm sạc, mức nào?

Giá điện cho trạm sạc, mức nào?

Bộ Công thương được yêu cầu khẩn trương trình Thủ tướng sửa đổi, bổ sung Quyết định 28 năm 2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc điện.

Yêu cầu này được nêu trong kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu, khuyến khích người dùng, hỗ trợ đầu tư trạm sạc điện…

Đề xuất phương án giá điện kinh doanh

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Tư pháp đã thẩm định dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 28.

“Hiện dự thảo tiếp tục được lấy ý kiến để hoàn thiện và sẽ sớm trình Chính phủ quyết định phương án”, ông Hòa nói và cho biết, Bộ Công thương đề xuất 2 phương án là áp dụng giá điện theo sản xuất và kinh doanh.

Giá điện cho trạm sạc, mức nào?- Ảnh 1.
Hiện, các trạm sạc (ngoài Vinfast) đang trả tiền điện theo mức giá kinh doanh cho ngành điện. Ảnh: SolarEV.

Xét về ưu – nhược điểm, Bộ Công thương đang nghiêng về phương án giá điện kinh doanh. Với phương án này, giá điện lúc cao điểm có thể lên gần 5.000 đồng/kWh, nên sẽ làm tăng chi phí sạc xe điện, có thể ảnh hưởng đến chính sách phát triển xe điện tại Việt Nam.

Thế nhưng, theo lập luận của Bộ Công thương, phương án giá điện sản xuất sẽ phát sinh bù chéo từ các nhóm khách hàng khác. Tức là, nhóm khách hàng khác sẽ phải “gánh” tiền điện cho trạm sạc xe điện. Do đó, phương án này không phù hợp với chủ trương được quy định tại Nghị quyết 55 là không thực hiện bù chéo giữa các nhóm khách hàng.

Kinh nghiệm quốc tế ra sao?

Trong khi đó, dẫn kinh nghiệm quốc tế, một chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, tại Trung Quốc – cường quốc xe điện, giá sạc điện tại trạm công cộng được tính theo giá điện công nghiệp (thấp hơn giá điện kinh doanh) cộng phí dịch vụ với mức trung bình đạt khoảng 0,23 USD/kWh, tương đương 5.580 đồng/kWh.

Còn tại Mỹ, để khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang xe điện, biểu giá điện cho trạm sạc được tính toán phải thấp hơn chi phí 1 tháng mà tài xế trả cho xe xăng. Giá điện trung bình đạt khoảng 0,13 USD/kWh, tương đương 3.217 đồng/kWh. Như vậy, giá điện cho trạm sạc đang thấp hơn nhiều giá điện bán lẻ sinh hoạt tại Mỹ.

Tại Thái Lan – nước tương đồng với Việt Nam, giá bán lẻ điện cho các trạm sạc xe điện được Cơ quan Điều tiết Thái Lan (ERC) quyết định và áp dụng theo biểu giá cho mục đích dịch vụ.

Tuy nhiên, hiện cơ quan này triển khai cơ chế giá điện ưu đãi cho trạm sạc, với mức giá 2,9162 Baht/kWh (hơn 2.000 đồng/kWh). Một số địa phương còn đưa ra mức thấp hơn, chỉ 2,162 Baht/kWh (hơn 1.500 đồng/kWh).

Từ những kinh nghiệm trên, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, để đưa ra cơ chế hỗ trợ về giá điện cho trạm sạc xe điện thì đầu tiên phải nghiên cứu về mô hình tài chính của trạm sạc xe điện (các kịch bản về chi phí và lợi ích, số tiền chi cho việc sạc điện tính trên mỗi km đi được…) để có sự so sánh giữa chi phí xe điện với xe xăng. Từ đó, đưa ra mức cần hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện “xanh”.

“Việc trợ giá sẽ do Chính phủ quyết định và cần làm rõ mục tiêu đạt được khi áp dụng cơ chế trợ giá để có hướng huy động nguồn lực phù hợp. Chẳng hạn như, việc chuyển đổi từ xe dùng xăng dầu sang xe điện nhằm mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính thì tiền trợ giá cần lấy từ nguồn quỹ bảo vệ môi trường cũng như trích lập từ các khoản thuế, phí carbon trong tương lai”, ông Sơn nói.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích