Giá căn hộ chung cư ở Hà Nội vẫn “neo” ở mức cao

Chung cư vẫn tăng giá

Đánh giá về thị trường bất động sản ở Hà Nội thời gian qua, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cao cấp Công ty CBRE Việt Nam, chi nhánh Hà Nội, cho biết, tại thời điểm cuối quý 2/2023, giá sơ cấp trung bình của thị trường căn hộ chung cư ở Hà Nội đạt 47,5 triệu đồng/m2; tương đương mức tăng 1,6% so với quý 1 và 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự ở thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt xấp xỉ 31 triệu đồng/m2, gần như không đổi so quý 1/2023 nhưng tăng 3,2% theo năm. Theo vị trí, hầu hết các khu vực đều có giá bán tăng so cùng kỳ năm ngoái, riêng Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông và Bắc Từ Liêm mức tăng giá thứ cấp cao từ 5 – 6% trong năm qua.

Giá căn hộ chung cư ở Hà Nội vẫn “neo” ở mức cao
Giá căn hộ chung cư ở Hà Nội vẫn “neo” ở mức cao, trong khi đó các phân khúc bất động sản khác gặp khó khăn, thậm chí phải cắt lỗ (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của đại diện CBRE, từ nay đến cuối năm 2023, dù lượng mở bán mới căn hộ chung cư sẽ cải thiện với hơn 6.300 căn mở bán, nâng tổng nguồn cung mới cả năm 2023 đạt 10.500 căn. Song đa số là đến bởi các đợt mở bán tiếp theo của những dự án thuộc khu đô thị ở phía Tây Hà Nội và thuộc phân khúc cao cấp. Do đó, giá sơ cấp trung bình vẫn duy trì khoảng 47 triệu – 49 triệu đồng/m2, tương đương mức tăng trưởng 5% theo năm.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cũng một phần do thời gian thẩm định pháp lý, hoàn thiện hồ sơ cấp phép dự án kéo dài, nên chi phí của dự án bị đội lên. Điều này khiến dự án mở bán sau khó đưa ra mức giá thấp hơn các dự án cùng phân khúc trước đó.

Đưa ra ý kiến về thực trạng neo cao của giá căn hộ chung cư tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) đánh giá, thị trường chung cư Hà Nội hiện nay cơ bản là “khan” nguồn cung mới, dự án mới so nhu cầu thực tế. Những phân khúc như căn hộ chung cư trung cấp, bình dân, và bất động sản giá trị khai thác thương mại tốt luôn có giao dịch vì vậy khó xảy ra khả năng “hạ giá”, đặc biệt giữa bối cảnh nguồn cung như hiện nay.

Cần có chính sách tháo gỡ

Để khắc phục tình trạng trên các chuyên gia bất động sản cho rằng, một trong những việc phải làm là Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách tháo gỡ các vấn đề về pháp lý, quy hoạch để tạo điều kiện cho thị trường phát triển, nhất là tăng nguồn cung nhà ở xã hội bởi nhu cầu hiện nay rất lớn. Thực tế cho thấy, hiện rất nhiều dự án bị “treo” bởi những vướng mắc về pháp lý, bởi thế, các chủ đầu tư có hàng mới luôn ở thế “một mình một chợ”, nên giá bán căn hộ khó giảm. Vì thế, cần khẩn trương gỡ khó cho các doanh nghiệp giúp tăng cung đối với thị trường.

Các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản cũng cho rằng, Chính phủ cần sớm hoàn thiện công tác sửa đổi, bổ sung các chính sách giúp phát triển thị trường bất động sản và nhà ở, trong đó có Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng một số luật liên quan. Ngoài ra quy hoạch, kế hoạch… của Nhà nước cần tạo điều kiện cho phát triển nhà ở thương mại theo dự án, gắn với phát triển đô thị, chương trình phát triển nhà ở. Khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở chung cư cao tầng hiện đại, thân thiện môi trường…

Đề cập đến vấn đề trên, Giaos sư Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân và nhóm nghiên cứu, lưu ý, nên tiếp tục rà soát, xử lý các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai, giúp phân loại dự án nào được tiếp tục triển khai, dự án nào tạm dừng, dự án nào cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở phù hợp nhu cầu và nguồn lực xã hội.

Mặt khác sớm có kết luận các dự án đã và đang rà soát thủ tục pháp lý để dự án nhanh chóng được triển khai, nhất là những dự án lớn; tập trung đẩy mạnh việc chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất cho thuê đất chuyển mục đích sử dụng đất… đặc biệt là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, nhằm sớm đưa dự án vào triển khai, tăng cung cho thị trường.

Còn doanh nghiệp phát triển dự án phải nghiên cứu và nắm bắt xu hướng “đô thị trong đô thị” hay “bất động sản tích hợp” để triển khai những dự án đô thị quy mô lớn, qua đó kiến tạo môi trường sống lành mạnh, bền vững. Tập trung phát triển chung cư thương mại cao tầng ở các quận, huyện ngoại thành, đảm bảo kết nối giao thông, hạ tầng xã hội. Phát triển đa dạng loại hình sản phẩm nhà ở cho thuê, cho thuê mua, để bán, có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp đáp ứng nhu cầu của từng nhóm cư dân…

Về phía khách hàng, nhà đầu tư nên cân nhắc chọn dự án đáng để ở và để đầu tư trong bối cảnh hiện nay dựa trên yếu tố: Pháp lý, sự minh bạch của dự án, uy tín chủ đầu tư, vị trí, hạ tầng dự án… Đặc biệt, xem xét những dự án được triển khai bài bản ở các khu đô thị mới có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển ở tương lai gần.

Đức Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích