Giá biệt thự, nhà liền kề Hà Nội tăng gấp đôi nhưng thanh khoản chậm

So với năm 2018, giá bán biệt thự Hà Nội đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%, tuy nhiên khả năng thanh khoản của phân khúc này lại không như vậy.

Biệt thự tăng giá gấp đôi trong vài năm

Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam chỉ ra, trong Quý II/2022, Hà Nội chỉ có 146 căn biệt thự, nhà liền kề mới, giảm 82% theo quý và 84% theo năm.

Nguồn cung sơ cấp toàn thị trường ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua, ở mức 993 căn, giảm 34% theo quý và 49% theo năm.

Tuy nhiên, nửa đầu năm 2022 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp. Trong đó, giá biệt thự tăng 37%, giá shophouse tăng 22% và giá liền kề tăng 20%.

Đáng chú ý, so với năm 2018, giá bán biệt thự Hà Nội đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.

gia biet thu nha lien ke ha noi tang gap doi nhung thanh khoan cham
So với năm 2018, giá bán biệt thự Hà Nội đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.

Minh chứng là theo báo cáo của Savills, trong Quý I/2018, giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự hạng A Hà Nội là 65 triệu đồng/m2, đến Quý I/2022, Savills ghi nhận giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự Hà Nội đạt 134 triệu đồng/m2, thậm chí xuất hiện mức giá cao kỷ lục là 569 triệu đồng/m2,

Khảo sát thực tế, Tiền Phong nhận thấy, không chỉ các biệt thự, nhà phố, liền kề đã hoàn thiện và có tỉ lệ lấp đầy lớn tăng giá, mà loạt biệt thự, liền kề và nhà phố bỏ hoang tại Hà Nội cũng đang có mức giá “gây choáng”.

Điển hình là tại quận Nam Từ Liêm, các căn biệt thự, nhà phố, shophouse xây thô, đã bỏ hoang lâu năm thuộc dự án Tổ hợp nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ Tây Hà Nội (đường Sa Đôi, phường Đại Mỗ) vẫn được rao bán ở mức 130 – 160 triệu đồng/m2.

Tại Hà Đông, trưởng phòng giao dịch của một văn phòng bất động sản đóng trên địa bàn cho biết, tại Khu đô thị Dương Nội, từ năm 2018 tới nay trung bình mỗi năm giá nhà đất tăng đều từ 20 – 30%.

Ở Khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức), hàng loạt các căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang la liệt, không người ở, nhưng mức giá tại khu đô thị này vẫn tăng gấp 2 lần trong 2 năm dịch bệnh.

Thanh khoản thảm hại

Mặc dù giá bán tăng cao, nhưng Savills chỉ ra, lượng giao dịch phân khúc biệt thự giảm 55% theo quý và 72% theo năm khi chỉ có 302 giao dịch được ghi nhận tính đến Quý II.

Tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ ở mức 30%, giảm 14% theo quý và 25% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới chỉ có 14%.

Trong đó, huyện Gia Lâm có lượng giao dịch nhiều nhất với 69% thị phần, theo sau là Hà Đông với 15%.

Lý giải về điều này, chuyên gia của Savills nhận định, người mua đang có xu hướng dịch chuyển sang các dự án tại tỉnh vệ tinh như Hưng Yên, vì nguồn cầu chưa được đáp ứng tại Hà Nội.

gia biet thu nha lien ke ha noi tang gap doi nhung thanh khoan cham
Mặc dù giá bán tăng cao, nhưng Savills chỉ ra, lượng giao dịch phân khúc biệt thự Hà Nội giảm 55% theo quý và 72% theo năm.

Dự báo về thị trường cuối năm, Savills cho biết, thị trường sẽ chào đón hơn 2.131 căn đến từ 13 dự án. Tuy nhiên, các dự án này phải đối mặt với việc người mua đang giảm sự quan tâm đối với thị trường nhà đất.

Dẫn chứng là báo cáo của Batdongsan.com.vn cho thấy người mua đang giảm sự quan tâm đối với thị trường nhà đất tại Hà Nội khi lượng quan tâm tới thị trường biệt thự/liền kề giảm 11% theo năm và 14% theo năm cho shophouse.

Mặc dù vậy, lãnh đạo cấp cao của Savills tin tưởng rằng, khi nguồn cung có giá bán hợp lý hơn trở lại thị trường, thanh khoản cùng tình hình hoạt động sẽ được cải thiện.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích