Giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong bối cảnh CMCN lần thứ 4
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội cho các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam trong việc nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), Liên minh kinh tế Á – Âu…, việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới để tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhu cầu cấp thiết.
Phân tích SWOT về sản xuất thông minh tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam đang có đầy đủ cơ hội tiếp cận sản xuất thông minh trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; sự trang bị đầy đủ kiến thức, đặc biệt là ở cấp quản lý và các nhà hoạch định chính sách; ý thức về áp dụng, sử dụng công nghệ thông tin và mức độ hội nhập quốc tế cao về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thương mại-đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng và triển khai mạnh mẽ các cơ chế chính sách, giải pháp đột phá để sớm hình thành các mô hình sản xuất thông minh trong doanh nghiệp, từng bước thực hiện thành công việc chuyển đổi nền kinh tế số, đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.
Một số giải pháp để thúc đẩy sản xuất thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4:
Thứ nhất, định hướng mới về thể chế, chính sách nghiên cứu, triển khai sản xuất thông minh phù hợp với yêu cầu quốc tế.
Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về sản xuất thông minh phù hợp với yêu cầu tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu về sản xuất thông minh. Lồng ghép việc triển khai nghiên cứu, áp dụng sản xuất thông minh đối với SMEs trong các nhiệm vụ, đề án, chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, đặc biệt là các SMEs thực hiện chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất thông minh. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thử nghiệm thu thập dữ liệu và phân tích một số chỉ số hiệu năng thực hiện (KPI) của sản xuất thông minh phù hợp với điều kiện của Việt Nam; xây dựng mô hình chứng nhận doanh nghiệp sản xuất thông minh phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ảnh minh họa.
Thứ hai, đánh giá về mức độ sẵn sàng với sản xuất thông minh
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đề xuất bộ tiêu chí về đánh giá mức độ sẵn sàng với sản xuất thông minh, qua đó, các doanh nghiệp có thể áp dụng để tự đánh giá hoặc thông qua các chuyên gia đánh giá về mức độ sẵn sàng.
16 tiêu chí bao gồm: (1) Mức độ tích hợp về quy trình và hệ thống; (2) Mức độ tích hợp quy trình chuỗi cung ứng của doanh nghiệp; (3) Mức độ tích hợp về vòng đời sản phẩm; (4) Mức độ tự động hóa tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; (5) Mức độ tự động hóa hoạt động hành chính của doanh nghiệp;
(6) Mức độ tự động hóa tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; (7) Mức độ kết nối khu vực sản xuất, kinh doanh; (8) Mức độ kết nối hoạt động hành chính doanh nghiệp; (9) Mức độ kết nối tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; (10) Mức độ thông minh khu vực sản xuất, kinh doanh; (11) Mức độ thông minh của hoạt động hành chính; (12) Mức độ thông minh tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; (13) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; (14) Năng lực lãnh đạo; (15) hợp tác trong và ngoài doanh nghiệp; (16) Chiến lược và quản trị.
Xây dựng chiến lược kinh doanh sản xuất thông minh (Smart Manufacturing Business Strategy).
Tuy thuộc vào định hướng, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, chiến lược kinh doanh sản xuất thông minh tại Việt Nam được xây dựng với một số quan điểm sau:
Sản xuất thông minh là một cuộc cách mạng trong sản xuất: Cách mạng sản xuất thông minh xuất hiện dựa trên nền tảng của các công nghệ đã phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Sự khác biệt hiện nay là các công nghệ mới nhất đã cho phép nhà sản xuất thực hiện phần lớn những gì họ đã cố gắng làm với công nghệ trước đó.
Các công nghệ sản xuất thông minh bao gồm: Internet vạn vật, internet di động, điện toán đám mây, In 3-D, RFID, robot tiên tiến… Cùng với nhau, các công nghệ này cho phép kết nối giữa con người và máy móc cũng như kết nối giữa hoạt động sản xuất tại phân xưởng với hoạt động kinh doanh, tạo thành một chuỗi kết nối.
Sản xuất thông minh bắt đầu từ sản xuất, không bắt đầu từ công nghệ: Tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của một doanh nghiệp phải được bắt đầu từ sản xuất. Công nghệ là công cụ để hỗ trợ đạt được mục tiêu sản xuất tối ưu nhất. Các chuyên gia của doanh nghiệp sản xuất thông minh là những chuyên gia về cách thức sản xuất sản phẩm, hiểu rõ hơn về việc giữ cho doanh nghiệp sản xuất nhanh hơn, linh hoạt hơn theo yêu cầu tùy biến của khách hàng và thị trường.
Công nghệ là phương tiện, không phải là mục tiêu của sản xuất thông minh: Các dự án cải tiến kinh doanh của doanh nghiệp thông thường có liên quan đến công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là bước khởi đầu. Doanh nghiệp sẽ bắt đầu triển khi sản xuất thông minh để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp.
Quá trình chuyển đổi sang sản xuất thông minh là một cuộc hành trình: Việc chuyển đổi sang sản xuất thông minh không nên phải là một dự án với sự khởi đầu và kết thúc mà là hành trình không bao giờ kết thúc. Đầu tiên, kết nối toàn bộ doanh nghiệp (thường liên quan đến các cơ sở kết nối trên toàn cầu) là một công việc lớn, đòi hỏi mất thời gian để hoàn thành. Sau đó, công nghệ tiếp tục phát triển nhanh chóng, nhu cầu của khách hàng liên tục thay đổi đòi hỏi cần có nhiều công nghệ thông minh khác nhau. Như với chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ cần cập nhật chiến lược sản xuất thông minh để đáp ứng những yêu cầu luôn “vận động” của thị trường.
Đi chậm để đi nhanh: Điểm thất bại lớn nhất trong triển khai sản xuất thông minh là cố gắng thực hiện quá lớn, quá nhanh. Do đó, trước mắt, cần xác định thận trọng một vấn đề cần giải quyết bằng các công nghệ sản xuất thông minh, thực hiện giải pháp để mang lại doanh thu. Sau đó, sử dụng doanh thu để tiếp đầu tư thực hiện các bước tiếp theo.
Thứ ba, thúc đẩy triển khai rộng rãi sản xuất thông minh trong các nhiệm vụ của Đề án Chuyển đổi số quốc gia
Đề án Chuyển đổi số quốc gia sẽ xác định rõ mục tiêu, yêu cầu để các tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào quá trình đẩy nhanh số hóa, chuyển đổi số trên phạm vi cả nước trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội. Chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp là nhân tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế số, từ đó thay đổi cách thức sản xuất, giúp doanh nghiệp Việt Nam “tự tin” đi ra toàn cầu.
Chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam sẽ gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện việc số hóa các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Giai đoạn này sẽ triển khai số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước nhằm tăng hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, tạo ra nguồn tăng trưởng mới (nội dung gồm tập trung xây dựng hạ tầng nền tảng; tạo điều kiện môi trường pháp lý; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là SMEs; phát triển start-up số; phát triển nguồn nhân lực số).
Giai đoạn 2 đưa số hóa thành lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Theo đó sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế bằng cách triển khai các hệ sinh thái số tích hợp mới, hội tụ quanh các nhu cầu khách hàng (tập trung thúc đẩy chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, dịch chuyển các doanh nghiệp lên các nền tảng số, các hệ sinh thái, hình thành các chuỗi giá trị hội tụ…).
Giai đoạn 3 thúc đẩy kinh tế – xã hội số toàn diện. Trong giai đoạn này sẽ tiến tới nền kinh tế, xã hội số toàn diện, mọi lĩnh vực số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế (nội dung là tập trung hỗ trợ phát triển các ngành công nghệ số mới như AI, Immersive Media, IoT, Cybersecurity; chuyển số toàn diện, sâu sắc trong các lĩnh vực).
Thứ tư, tập trung nghiên cứu, phát triển nhóm công nghệ của “hệ thống ảo” của sản xuất thông minh
Sản xuất thông minh với “hệ thống thực ảo” dựa chủ yếu trên 2 nhóm công nghệ chính: Nhóm công nghệ 1: Nhóm công nghệ của “hệ thống thực” là các công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp chủ chốt, có giá trị kiến tạo gồm: công nghệ cảm biến (đặc biệt là cảm biến quang học), công nghệ cơ khí chế tạo (đặc biệt là CMC), công nghệ robot, công nghệ in 3D (đặc biệt là in 3D trong công nghiệp), công nghệ vật liệu nano, công nghệ quang học lượng tử….
Nhóm công nghệ 2: Nhóm công nghệ của “hệ thống ảo” là nhóm công nghệ dựa nền tảng dịch vụ công nghệ thông tin gồm: an ninh số, phát triển hệ thống IoT, phân tích dữ liệu lớn Big Data, phân tích dữ liệu nhờ trí tuệ nhân tạo AI… Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc tập trung đẩy mạnh nhóm công nghệ 1 là hết sức cần thiết, tuy nhiên cần có nguồn lực đầu tư đủ lớn, cần thời gian khá dài (hàng chục năm) để nắm bắt được nhóm công nghệ này.
Cụ thể, hiện nay, chỉ một số ít quốc gia phát triển sở hữu công nghệ in 3D (đặc biệt công nghệ In 3D đối với kim loại để sản xuất máy móc…); công nghệ robot, công nghệ cảm biến quang học (Nhật Bản là một trong các quốc gia đứng đầu về 02 công nghệ này); công nghệ nano (Mỹ đang là quốc gia hàng đầu sở hữu số lượng parten sáng chế về công nghệ nano)…
Nhóm công nghệ thứ 2 là lợi thế của Việt Nam. Việt Nam cần có Chiến lược phát triển các giải pháp công nghệ thông tin (chủ yếu là IoT, Big Data và AI) để giải quyết các vấn đề trong sản xuất thông minh. Cần xây dựng chiến lược để khuyến khích, thúc đẩy các nhà khoa học trẻ, chuyên gia, các SME và các startup tập trung vào nội dung này.
Công nghệ thông tin là thế mạnh của Việt Nam; Việt Nam là một trong những quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Việc phát triển nhóm công nghệ các giải pháp công nghệ thông tin sẽ giúp Việt Nam tận dụng được hạ tầng nền tảng công nghiệp của các quốc gia phát triển, nhanh chóng tiếp cận với mô hình sản xuất thông minh.
Có thể nói, tập trung phát triển các giải pháp công nghệ dựa trên nền tảng Dữ liệu lớn, Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo là một “cánh cửa chiến lược” để Việt Nam tiếp cận đến cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 một cách nhanh chóng nhất.
Thứ năm, xây dựng và triển khai Chương trình thí điểm nghiên cứu, phát triển robot trong sản xuất thông minh
Nghiên cứu, phát triển robot trong đời sống sinh hoạt hàng ngày vẫn còn là thách thức đối với các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, việc sử dụng robot trong công nghiệp là xu thế tất yếu hiện nay ở nhiều quốc gia. Trong tương lai gần, việc các quốc gia phát triển xây dựng các nhà máy sản xuất (sử dụng chủ yếu robot công nghiệp) tại các quốc gia đang phát triển là xu thế tất yếu để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Việc tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển robot trong công nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam là hết sức cần thiết không chỉ giúp các SMEs tiếp cận sản xuất thông minh nhanh hơn, đồng thời tạo tiền đề thu hút đầu tư FDI về sản xuất thông minh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chương trình thí điểm nghiên cứu, phát triển robot trong sản xuất thông minh cũng sẽ tạo những tiền đề, cơ sở pháp lý đầu tiên để nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý về ứng dụng và phát triển robot tại Việt Nam.
Thứ sáu, xây dựng Chương trình nghiên cứu tổng thể về xã hội học của sản xuất thông minh
Tập trung nghiên cứu các đặc trưng của sản xuất thông minh trong đó nhấn mạnh sự tương tác giữa con người, máy móc, thiết bị, dữ liệu… sẽ hình thành một phương thức sản xuất mới; vị trí trung tâm của con người trong sản xuất thong minh; các vấn đề an ninh công nghiệp, an ninh quốc gia; đạo đức trong trí tuệ nhân tạo…
Thứ bảy, phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất thông minh trong doanh nghiệp
Phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin trong đó đặc biệt tập trung về nguồn nhân lực nghiên cứu, phát triển về Internet vạn vật, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Lợi thế “dân số vàng” cần được biến thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ đạt chuẩn quốc tế. Người lao động phải được trang bị nhiều loại kỹ năng đa dạng để thích ứng với môi trường cách mạng công nghiệp 4.0 và dễ dàng dịch chuyển công việc phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Thứ tám, hợp tác quốc tế là công cụ để đưa sản xuất thông minh của Việt Nam hội nhập
Hợp tác quốc tế giúp Việt Nam tranh thủ được nguồn lực để xây dựng và phát triển mô hình sản xuất thông minh theo các tiêu chuẩn, yêu cầu quốc tế; giúp Việt Nam tiến nhanh hơn trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh.
Hà My