Ghi nhận nhiệt độ trung bình vào mùa hè cao kỷ lục tại Hàn Quốc
Ghi nhận nhiệt độ trung bình vào mùa hè cao kỷ lục tại Hàn Quốc
Thống kê của KMA cho thấy Hàn Quốc đã trải qua chuỗi đêm nhiệt đới dài nhất từ trước đến nay, với trung bình 20,2 đêm trong thời gian từ tháng 6 – 8 vừa qua, gấp 3 lần khoảng thời gian trung bình được ghi nhận trước đó là 6,5 ngày.
Ngày 5/9, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết nước này đã ghi nhận nhiệt độ trung bình vào mùa Hè cao nhất kể từ khi dữ liệu này được thống kê cách đây khoảng 5 thập kỷ.
Theo KMA, trong thời gian từ tháng 6 – 8 vừa qua, nhiệt độ trung bình tại Hàn Quốc là 25,6 độ C, cao hơn 1,9 độ C so với mức trung bình trong cùng giai đoạn hằng năm. Đây là con số cao nhất kể từ năm 1973, khi KMA thiết lập các trạm quan trắc để thu thập dữ liệu. KMA cho biết thêm từ giữa tháng 6 năm nay, nhiệt độ đã cao hơn những năm trước đây, ngay cả trong thời gian gió mùa khi nhiệt độ thường giảm xuống.
Người đứng đầu KMA Jang Dong Un cho rằng biến đổi khí hậu đang làm thay đổi các hình thái thời tiết ở Hàn Quốc, do đó KMA sẽ tăng cường năng lực giám sát và phân tích các điều kiện thời tiết bất thường. Theo ông Jang Dong Un, những trận mưa lớn trong mùa gió mùa và đợt nắng nóng kéo dài cùng những đêm nhiệt đới gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của người dân Hàn Quốc.
Thống kê của KMA cho thấy Hàn Quốc đã trải qua chuỗi đêm nhiệt đới dài nhất từ trước đến nay, với trung bình 20,2 đêm trong thời gian từ tháng 6 – 8 vừa qua, gấp 3 lần khoảng thời gian trung bình được ghi nhận trước đó là 6,5 ngày.
Hiện tượng đêm nhiệt đới là những đêm mà nhiệt độ tối thiểu 25 độ C. Thủ đô Seoul với khoảng 10 triệu dân đã ghi nhận 39 đêm nhiệt đới liên tiếp trong mùa Hè này, cao hơn nhiều so với kỷ lục trước đó là 26 ngày.
Phần lớn các khu vực trên thế giới đang trải qua một mùa Hè nắng nóng gay gắt. Hồi tháng 7 năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã cảnh báo rằng nhân loại đang phải hứng chịu “đại dịch nắng nóng cực đoan”, đồng thời kêu gọi hành động nhằm hạn chế tác động của các đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu gây ra.
Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 ở mức cao nhất từng được ghi nhận. Theo Viện Quốc tế về môi trường và phát triển (IIED), số ngày có nhiệt độ lên tới 35 độ C ở các thủ đô lớn nhất thế giới đã tăng 52% trong 30 năm qua. Các nhà khoa học cho rằng các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên là biểu hiện của hiện tượng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị