GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%

Thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo.

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm như: Kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng, dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.

GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục kiên trì lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững để làm căn cứ đưa ra định hướng chính sách. Đồng thời, tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ và thủ tục để thực hiện tốt nhất giải ngân đầu tư công để tạo động lực, tạo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong đó cần quan tâm đầu tư danh mục xây dựng hạ tầng chiến lược, cơ sở vật chất và công nghệ số nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng dài hạn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và bày tỏ nhất trí với 13 kết quả nổi bật đã nêu trong báo cáo. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo cần phân tích rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân của những kết quả, thành tựu đạt được trong thời gian qua…

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy, năm 2022 vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế – xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Cụ thể, GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%; 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương, 44/63 tỉnh, thành có GRDP tăng trên 6%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch được phục hồi mạnh mẽ; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm CPI tăng khoảng 4%, thu ngân sách nhà nước vượt cao so với dự toán; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34% GDP.

Lĩnh vực văn hóa, giáo dục cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được giữ vững, uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phân tích rõ thêm phần nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của các thành tích, trong đó đề cập tới vai trò lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ, chính quyền các cấp, vai trò của đổi mới thể chế, giám sát, cải cách thủ tục hành chính, sự năng động của các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế…

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế, xã hội như Chính phủ đã trình.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích