Gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD: Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang bị tuyên án 30 tháng tù treo
Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) 30 tháng tù, cho hưởng án treo; Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế) 24 tháng tù, cho hưởng án treo; Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế) 24 tháng tù và Phạm Thị Minh Nga (chuyên viên Vụ Kế hoạch tài chính, cựu kế toán trưởng Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1), Bộ Y tế) 15 tháng tù, cùng về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng tội danh nêu trên, Nguyễn Việt Hùng (cựu Cục phó Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế), bị tuyên phạt 30 tháng tù, cộng bản án 3 năm tù trước đó, tòa tuyên bị cáo này phải chịu phạt tổng 5 năm 6 tháng tù.
Đối với 3 bị cáo thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long, Tòa tuyên Lương Văn Hoá (cựu Tổng Giám đốc Công ty) 9 năm tù; Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu kế toán trưởng) và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa, cựu Giám đốc Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc Xuất Nhập khẩu Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long) cùng mức án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị tuyên 30 tháng tù treo. |
Riêng đối với ông Nguyễn Thanh Tòng (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long), theo Hội đồng xét xử, kết quả xác minh cho thấy, ông đã chết vào ngày 31/10/2022, vì vậy Toà đã ban hành quyết định đình chỉ vụ án đối với ông và việc này không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án.
Về dân sự, Tòa tuyên buộc Công ty Cổ phẩn Dược phẩm Cửu Long phải bồi thường hơn 58 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước. Các bị cáo được giao nhiệm vụ sản xuất thuốc để phòng, chống dịch nhưng đã cố ý làm trái quy định pháp luật, gây thiệt hại số tiền lớn cho ngân sách.
Trong đó, bị cáo Lương Văn Hóa được xác định giữ vai trò chủ mưu. Với chức trách Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, bị cáo chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện hợp đồng sản xuất thuốc với Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi được nhà cung cấp giảm giá, bị cáo chỉ đạo cấp dưới hạch toán trái quy định, không báo cáo Bộ Y tế, lập thư giãn nợ, ký chứng từ chuyển tiền để che giấu, hợp thức hóa số tiền hơn 3,8 triệu USD.
Về phía Bộ Y tế, hành vi của các bị cáo thuộc cơ quan này cũng bị đánh giá là nguy hiểm cho xã hội. Các bị cáo giữ nhiều chức vụ trong cơ quan nhà nước, được giao trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng tài sản công nhưng thiếu ý thức trong việc nghiệm thu thanh quyết toán hợp đồng, kiểm tra, rà soát đối chiếu đánh giá thực hiện hợp đồng. Chuỗi hành vi dẫn đến thiệt hại cho nhà nước hơn 3,8 triệu USD.
Trong đó, bị cáo Cao Minh Quang với tư cách trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc Tamiflu và Oseltamivir, ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc.
Dù biết Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long chưa thanh toán 3,8 triệu USD nhưng bị cáo không chỉ đạo làm rõ. Khi Bộ Tài chính và Bộ Y tế đều có chỉ đạo kiểm tra đối với số tiền này, bị cáo cũng không chỉ đạo kiểm tra.
Quá trình cân nhắc hình phạt, Hội đồng xét xử cũng ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Cao Minh Quang có nhiều thành tích, bằng khen, giấy khen, mắc nhiều bệnh, tự nguyện khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng…
Nguồn: Báo lao động thủ đô