Gạo Việt Nam được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU

Theo thông tin, giống gạo ST25, từng đoạt danh hiệu “gạo ngon nhất thế giới” do tổ chức The Rice Trade tổ chức, đã được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Cùng với ST25, giống gạo ST24 cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU. Các biện pháp này là kết quả của cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Trước khi 2 giống gạo ST24 và ST25 được hưởng ưu đãi vào thị trường này, Việt Nam có 9 giống gạo cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang EU, bao gồm: Jasmine85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM4900, OM5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Đây là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường đầy tiềm năng này.

Gạo ST24 và ST25 được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU.
Gạo ST24 và ST25 được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU.

Được biết, các giống được hưởng chính sách ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU chủ yếu được sản xuất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – nơi được mệnh danh là “vựa lúa” của cả nước.

Các chuyên gia cho rằng, với kết quả như hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU có thể đạt khoảng 100.000 tấn, con số cao nhất từ trước đến nay và vượt hạn ngạch Hiệp định EVFTA. Lượng gạo tuy không lớn nhưng đây là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng đối với các loại gạo thơm, gạo hữu cơ và gạo có giá trị gia tăng cao của Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo nhập khẩu gạo của EU tăng lên mức kỷ lục trong năm 2023, ước đạt tới 2,65 triệu tấn. Theo Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch ưu đãi thuế 80.000 tấn/năm, trong đó có 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Với sản phẩm chế biến từ gạo, EU đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm (EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020).

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, gạo là một trong những mặt hàng tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan. Năm 2022, tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt trên 94.500 tấn. Kết quả này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường lớn.

Theo Thương hiệu Công luận

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích