Gánh nặng nợ xấu đang dồn vào vai các ngân hàng

Tác động của dịch bệnh COVID-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của các doanh nghiệp khiến tỉ lệ nợ xấu nội bảng đang có xu hướng tăng mạnh tại các ngân hàng thương mại. Nhiều đánh giá chỉ ra rằng, nguy cơ nợ xấu gia tăng sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới khi tình hình trả nợ và khả năng tài chính của các doanh nghiệp tiếp tục xấu đi.

ganh nang no xau dang don vao vai cac ngan hang
Tình hình tài chính suy giảm khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi trả nợ ngân hàng. Ảnh: Hải Nguyễn

Nợ xấu tăng thêm 4,5%

Theo các dữ liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tỉ lệ nợ xấu nội bảng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục có xu hướng tăng lên tính từ thời điểm cuối năm 2020 đến nay.

Hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính, khả năng trả nợ của cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19 khiến tỉ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng từ mức 1,69% thời điểm cuối năm 2020 lên mức 1,78% vào cuối tháng 4.2021. Đến hết quý II/2021, các số liệu trong báo cáo tài chính được gần 30 NHTM công bố cho thấy tổng nợ xấu nội bảng có mức tăng 4,5% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam kỳ tháng 8.2021 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng khuyến cáo Việt Nam cần cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng. Ở thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, cho phép các ngân hàng gia hạn nợ, tái cơ cấu nợ.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN – ông Đào Minh Tú – nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỉ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi ngành nghề.

Cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu

Dù các chính sách tái cơ cấu, gia hạn nợ và miễn giảm lãi suất đang phát huy tác dụng và giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì và hồi phục sản xuất kinh doanh, tuy nhiên World Bank khuyến cáo rằng ảnh hưởng của đại dịch sẽ có thêm những doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động không có khả năng trả nợ. Chính vì vậy nợ xấu sẽ tăng lên, những rủi ro từ nền kinh tế thực sẽ chuyển sang ngân hàng. World Bank theo đó lưu ý vấn đề quan trọng hiện nay là cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ sẽ cần thận trọng với rủi ro nợ xấu đang gia tăng, đặc biệt ở các ngân hàng có mức vốn hóa chưa đảm bảo trước đại dịch.

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu và xây dựng cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II.

Liên quan đến giải pháp xử lý nợ xấu, đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho hay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ tháng 2.2020 tới nay đã khiến ngân hàng phải thay đổi nhiều chính sách để phù hợp.

Cụ thể về khách hàng, Techcombank có hai chính sách: (1) Với các khách hàng bị ảnh hưởng thu nhập do COVID-19, ngân hàng hỗ trợ tối đa qua các giải pháp miễn giảm lãi, tái cơ cấu nợ, giãn nợ. (2) Với các khách hàng thực sự không có khả năng trả nợ, trây ỳ tồn đọng đã lâu năm, ngân hàng tiếp tục áp dụng Nghị quyết 42 của Quốc hội năm 2017 để xử lý tài sản thu hồi nợ. Quá trình xử lý nợ tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn của địa phương và chính phủ về phòng chống dịch. Việc có thể xử lý được tài sản để thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu, mà còn có tác động rất tích cực tới các khách hàng vay vốn của ngân hàng. Tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất đến 1-3%. Như vậy 97- 99% các khách hàng vay vốn là khách hàng tốt.

Song để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – cho rằng Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương, xử lý dứt điểm những vướng mắc chính trong quá trình triển khai; đẩy nhanh, thực chất tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực tài chính – quản trị, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý nợ xấu. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức này trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần luật hoá Nghị quyết 42 để thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nợ xấu cao như hiện nay. Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15.8.2017) trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành Ngân hàng.

Không để xử lý nợ xấu trở nên khó khăn

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, với các giải pháp đang triển khai hiện nay, NHNN cũng rất cần sự phối hợp các bộ, ngành về việc chấp thuận khi cơ cấu lại các khoản nợ lãi đến hạn, khoản tín dụng doanh nghiệp khó khăn chưa trả được sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính, lợi nhuận các ngân hàng, đến việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại. Điều đó có nghĩa phải giải quyết được hài hòa yêu cầu hỗ trợ tích cực nhất cho các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo không làm ảnh hưởng, suy giảm năng lực tài chính của các TCTD, không để việc xử lý nợ xấu trong tương lai gần trở nên khó khăn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích