Gắn kết với lịch sử và truyền thống dân tộc
Lời toà soạn: Trong cuộc trò chuyện với Đại tá Lê Minh Tân, Thượng tướng Hiệu không chỉ hồi tưởng những ký ức về gia đình, truyền thống dòng họ Nguyễn Bặc, mà còn chia sẻ những bài học sâu sắc từ cha mẹ – những giá trị đã hun đúc nên phẩm chất và tinh thần của một vị tướng tài ba, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Tạp chí điện tử Hoà Nhập xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc về nội dung này:
Từ những ngày thơ bé, cuộc sống của tướng Nguyễn Huy Hiệu đã được khắc ghi bằng những câu chuyện về truyền thống gia đình, lòng nhân hậu, và sự chuẩn chỉ mà người cha đáng kính của ông truyền dạy. Người cha của tướng Hiệu từng theo học chữ Nho đến 18 năm, bản thân tướng Hiệu học chữ Nho trong 3 năm.
Tướng Hiệu thuở bé được bố dẫn đi đắp đê, trồng tre để chắn sóng, những hoạt động giản dị nhưng mang ý nghĩa lớn lao, đặc biệt là ông thường nghe bố mình kể về trận vỡ đê và nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu 1945. Hình ảnh hàng loạt xác người trôi dạt từ Văn Lý, Chợ Cồn, Hải Hậu đến Yên Định khiến ông ám ảnh mãi. Khi đó, cha ông đã dùng giấy bản để đắp lên mặt những người xấu số và sau đó, nhân dân địa phương lập đền Âm Thần cùng cây đa lớn bên đường 21 để tưởng nhớ những nạn nhân của năm đói kém kinh hoàng.
Cha ông là người sống chuẩn mực, tỉ mỉ trong từng hành động. Ông kể lại rằng, ngày xưa khi không có máy móc, người dân phải dùng hòn đá tròn để kéo lúa. Nhà ông là nơi tập trung sản xuất, thu gom rơm và thóc. Cha ông luôn nhắc nhở: “Phải ở nhà trông gà, không được cho gà ăn thóc kẻo nó bới tung tóe, đến lúc người ta nhận sẽ không chấp nhận.” Chỉ sau khi thóc đã được quét sạch, ông mới cho phép lũ gà ăn những hạt còn sót lại.
Tướng Hiệu (thứ tư từ phải sang) cùng phu nhân Lại Thị Xuân (thứ tư từ trái sang) trong Lễ Giỗ
của dòng họ Nguyễn Bặc tại quê nhà
Không chỉ vậy, trong những dịp giỗ chạp, ông thường không tính toán tiền bạc khi sử dụng rau cải bắp, su hào, gia vị hay rượu có sẵn trong nhà để thết đãi mọi người. Bởi thời bây giờ “Ai cũng khó khăn,” ông thường nói, và lòng hào phóng ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí con cái.
Năm tướng Hiệu lên 9 tuổi, cha ông dẫn ông đi bộ suốt ba ngày từ Hải Hậu đến Gia Phương, Gia Viễn (Ninh Bình). Trên hành trình, hai cha con kể cho nhau nghe những câu chuyện lịch sử về dòng họ Nguyễn Bặc – hậu duệ của cụ Nguyễn Bặc, người đã phò tá vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành trong việc dẹp loạn 12 sứ quân. Ông được nghe kể về bảy vị tướng trung thần đã tự vẫn để giữ lòng trung thành với chủ tướng và cây thị ngàn năm tuổi ra hai loại quả là một quả dẹt, một quả tròn bên miếu thờ.
Dòng họ Nguyễn Bặc với truyền thống thờ chữ “Trung” và “Vua” là niềm tự hào lớn của gia đình. Hằng năm, vào ngày 15 tháng 10 âm lịch, cả nước hội tụ về đền thờ và khu mộ tổ tiên để dâng hương tưởng nhớ. Những địa danh này đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Truyền thống gia đình đã hun đúc ý chí của tướng Hiệu. Năm 1964, khi mới 17 tuổi, ông viết đơn xin nhập ngũ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Cha ông đưa ông đến nhà thờ từ đường để báo cáo tổ tiên, dặn dò ông giữ vững truyền thống dòng họ. Mẹ ông, trong nước mắt, chỉ mong ông chiến thắng trở về.
Ngày lên đường nhập ngũ, cha ông dặn dò: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó.” Lời nhắn nhủ này chính là sự gửi gắm của người cha vào hành trình đầy gian truân và cũng trở thành kim chỉ nam của tướng Hiệu. Từ sân vận động Hải Hậu, ông đi bộ đến ga Nam Định, rồi hành quân vào Nghệ An, gia nhập Trung đoàn 812, thuộc Sư đoàn 324.
Suốt những năm tháng quân ngũ, tướng Hiệu tham gia bốn chiến dịch lớn như: Chiến dịch Mậu thân 1968, chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, chiến dịch Quảng Trị 1972 và chiến dịch mùa Xuân năm 1975, cùng nhiều mặt trận khác. Ông đã góp phần vào chiến thắng lịch sử của dân tộc, khắc sâu dấu ấn về lòng dũng cảm và sự cống hiến không mệt mỏi.
Năm 1987, khi là Tư lệnh Quân đoàn 1, tướng Hiệu đặt làm đôi hạc gỗ mít cao 1m9 để dâng về đền thờ tổ tiên ở Gia Phương. Đôi hạc này được sử dụng trong các nghi lễ hàng năm, tượng trưng cho lòng thành kính của ông đối với nguồn cội.
Được tôn vinh là Chủ tịch danh dự dòng họ Nguyễn Bặc, tướng Hiệu luôn trở về quê hương vào những dịp lễ lớn, dâng hương tưởng nhớ thủy tổ. Với ông, việc duy trì và phát huy truyền thống không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của người con đất Việt.
Từ những năm tháng tuổi thơ gian khó, những bài học quý giá từ cha mẹ đến những chiến công lừng lẫy trong quân ngũ, tướng Nguyễn Huy Hiệu đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho lòng yêu nước, sự trung thành và ý chí kiên cường. Ông là niềm tự hào của dòng họ Nguyễn Bặc và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Nguồn: hoanhap.vn