Gắn áp dụng công cụ cải tiến với đổi mới sáng tạo là yêu cầu sống còn giúp DN nâng cao năng suất

Hiện nay, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Áp dụng thành công công cụ cải tiến năng suất sẽ tác động đến mọi thành phần kinh tế trong xã hội như doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận; người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt với chi phí hợp lý; người lao động gia tăng thu nhập; đất nước tăng nguồn thu từ thuế.

Gắn áp dụng công cụ cải tiến với đổi mới sáng tạo là yêu cầu sống còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất. Ảnh minh họa.

Các công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, 6 Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Mỗi công cụ cải tiến năng suất đều đem đến cho doanh nghiệp những lợi ích riêng. Có thể kể đến như áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean), Kaizen, 5S sẽ giúp các doanh nghiệp loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng tinh gọn; giúp doanh nghiệp cải tiến, ngăn ngừa sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, từ đó nâng cao năng suất.

Công cụ 6 Sigma giúp giảm sai lỗi, giảm chi phí, tăng sự hài lòng của khách hàng và bảo đảm giao hàng đúng hẹn, đồng thời là cơ sở quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; Hay công cụ Bảo trì năng suất tổng thể (TPM) giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày…

 Doanh nghiệp được hưởng lợi và nâng cao năng suất chất lượng nhờ áp dụng các công cụ cải tiến. Ảnh TTXVN.

Thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chủ trì hỗ trợ hàng chục nghìn doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến; đồng thời, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về áp dụng hệ thống tích hợp, kết hợp công cụ cải tiến cơ bản cho một số địa phương để chia sẻ, nhân rộng.

Nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi và nâng cao năng suất chất lượng nhờ áp dụng các công cụ cải tiến. Ví dụ như tại Phú Thọ, Công ty TNHH chè Hoài Trung, huyện Thanh Ba đã chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bà Bùi Thị Mão – Giám đốc Công ty cho biết: Thông qua các khóa đào tạo, tập huấn về năng suất chất lượng, Công ty chú trọng các công đoạn, quy trình sản xuất sản phẩm. Công ty có ba dây chuyền sản xuất khép kín với công suất máy trên 40 tấn chè búp tươi/ngày.

Công ty đã được cấp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý ISO 22000, giúp kiểm soát một cách toàn diện các khía cạnh và quá trình liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh chè. Đây là cơ sở xây dựng niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn của sản phẩm.

Công ty May Hưng Nhân (Tổng Công ty Đức Giang) sau 6 tháng triển khai công cụ Lean đã giảm 75% hàng tồn trên chuyền, giảm thời gian hàng ra chuyền từ 2 ngày xuống trong trong ngày, thời gian hàng nhập kho từ 5 ngày xuống 1 ngày, năng suất chuyền may tăng 25 – 30%.

Tuy nhiên bên cạnh những doanh nghiệp áp dụng thành công các công cụ cải tiến, cũng còn những doanh nghiệp dù được hỗ trợ áp dụng nhưng hiệu quả chưa thực sự nổi bật. Lý giải về điều này, một chuyên gia về năng suất cho biết đó là vì sự chuẩn bị của doanh nghiệp để tiếp cận sự hỗ trợ chưa đầy đủ. Thời gian triển khai ngắn mà hiệu quả (thường có đặc tính trễ) đòi hỏi sau một thời gian triển khai đủ dài.

Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sử dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất thì đổi mới sáng tạo trong sản xuất là một trong những yêu cầu sống còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất. Và để làm được điều đó, quan trọng nhất vẫn là bản thân doanh nghiệp phải biết nắm bắt cơ hội, táo bạo thay đổi, kể cả có thất bại chăng nữa vẫn là bài học quý để mang lại thành công.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích