Gần 3 tỷ người trên thế giới chưa sử dụng internet
Theo dữ liệu mới công bố của Liên đoàn truyền thông quốc tế (ITU) – cơ quan về công nghệ thông tin và truyền thông của Liên hợp quốc (UN), trên thế giới hiện có gần 3 tỷ người chưa từng sử dụng internet, do đó không tiếp cận được nguồn thông tin quan trọng về nhiều lĩnh vực như giáo dục, truyền thông.
37% dân số thế giới tức gần 3 tỷ người chưa bao giờ sử dụng Internet
Ước tính mới nhất của ITU cho thấy hiện khoảng 4,9 tỷ người đang sử dụng internet, tăng từ 4,1 tỷ người năm 2019. ITU cho rằng sự gia tăng đột biến về lượng người dùng internet một phần đến từ “cú hích kết nối do Covid-19”. Việc phong tỏa trên diện rộng, đóng cửa trường học, kết hợp với nhu cầu tiếp cận thông tin, dịch vụ chính phủ, cập nhật về y tế, tham gia thương mại điện tử và ngân hàng trực tuyến đã thúc đẩy việc sử dụng internet trên toàn cầu.
Tổng thư ký ITU, Houlin Zhao cho biết “ITU sẽ làm việc để đảm bảo mọi thứ được đặt đúng vị trí để kết nối 2,9 tỷ người còn lại. Chúng tôi quyết tâm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”. Số lượng người dùng internet trên toàn cầu đã tăng hơn 10% trong năm đầu tiên của cuộc khủng hoảng Covid – cho đến nay là mức tăng hàng năm lớn nhất trong một thập kỷ. ITU viện dẫn các biện pháp như giãn cách xã hội, đóng cửa trường học và nhu cầu tiếp cận các dịch vụ như ngân hàng từ xa đã tạo ra ảnh hưởng này.
Nhưng sự tăng trưởng không đồng đều. Việc truy cập Internet thường không khả thi ở các quốc gia nghèo hơn, với gần 3/4 số người chưa bao giờ vào mạng ở 46 quốc gia kém phát triển nhất.
Có thể thấy, tình trạng tiếp cận internet hạn chế xảy ra phổ biến tại các quốc gia đang phát triển – nơi chiếm khoảng 96% dân số chưa dùng internet toàn cầu. Giữa khu vực nông thôn và thành thị cũng có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ dân số dùng intenet – lần lượt là 76% và 39%.
Hơn nữa, những người trẻ hơn, nam giới và cư dân thành thị có xu hướng sử dụng Internet nhiều hơn người lớn tuổi, phụ nữ và những người ở nông thôn, với khoảng cách giới rõ ràng hơn ở các quốc gia đang phát triển. Đói nghèo, mù chữ, hạn chế tiếp cận điện năng và thiếu kỹ năng kỹ thuật số vẫn là những yếu tố tiếp tục thách thức sự phổ cập kỹ thuật số.
Hoài Thương (T/h)