“Gái tỉnh lẻ” – Cuốn sách của nhà văn 8X gây sốc dư luận

“Gái tỉnh lẻ” – Cuốn sách của nhà văn 8X gây sốc dư luận

Tác giả Huệ Ninh vừa cho ra mắt cuốn truyện dài 354 trang có nhan đề “Gái tỉnh lẻ” do Nxb Văn học ấn hành.

Đây là câu chuyện nói về một cô gái tỉnh lẻ có tên Huyền Anh trong quá trình lập thân ở thành phố lớn với nghề nghiệp đặc thù là nghề sáng tác. Bởi cái nghề nghiệp khác biệt này mà cô có nhiều tố chất, cũng như cách nhìn khác biệt ở những trải nghiệm riêng. Bởi vậy, nó có tính phản biện gây sốc.

Cuốn sách có 7 phần chính hình thành theo tuyến tính của sự lớn lên của cô gái tỉnh lẻ này ở cả tuổi tác, lẫn nhận thức. Đầu tiên là hành trình tuổi thơ, tái hiện vô số chi tiết sống động chỉ có ở những năm cách đây 30 – 40 năm. Vì thế, nó có nhiều điều khác hoàn toàn với thời bây giờ, gây bất ngờ cho độc giả trẻ, và khơi gợi xúc cảm hoài cổ chân thực của độc giả thuộc thế hệ 7 – 8X.

Empty

Phần thứ hai có nhan đề “Lò luyện nhân tài”, kể về hành trình gian khổ của Huyền Anh khi đi học ở trường chuyên của tỉnh. Đây là một môi trường giáo dục không phổ biến. Nhân vật chính bắt đầu mở mắt nhìn đời đầy ngạc nhiên, choáng váng. Để có tiền cho cô đi học, bố mẹ cô phải cho thuê nhà và chịu nhiều trái khoáy.

Oái oăm nhất, có lẽ là việc cô phát hiện ra nhà mình trở thành ổ chứa bởi quán karaoke trá hình. Bên cạnh đó, cô vấp phải sự nghi kị ở kí túc xá, sự trù dập của cô giáo chủ nhiệm và sự hốt hoảng bởi cảm xúc yêu đương thuở ban đầu. Với quá nhiều sức ép bất ngờ khiến nhân vật “tôi” có lúc muốn tự tử. Nhưng nhờ tình yêu thương và sự giáo dục đúng cách của bố mẹ khiến cô từng bước đứng lên đối chọi với những thử thách đầu đời. Cô tốt nghiệp phổ thông trung học, đạt giải văn quốc gia, đã chứng minh được sự chiến thắng của bản thân với nghịch cảnh. Nhưng cũng từ các kiểu tình huống lạ lùng này, nhân vật chính bắt đầu phát triển tư duy phản biện và cách nhìn khác biệt từ hiện thực cuộc sống.

Quá trình vào đời tiếp tục ở môi trường đại học với tình yêu lạ lùng và những trải nghiệm khắc nghiệt của nghề sáng tác. Chỉ vì thương người và sự ngây ngô tuổi trẻ, Huyền Anh đã gắn bó cùng người bạn trai được anh chị mình mai mối hòng trục lợi.

Empty

Nhưng chính anh ta lại là người cưỡng bức cô, khiến cô có thai. Với sức ép của hoàn cảnh, gia đình, Huyền Anh phải chịu đựng sự đau đớn, bẽ bàng khi phá thai. Song, kinh sợ nhất là sự truy đuổi, bám riết, khủng bố của người đàn ông này. Từ những va đập đó, số phận kéo cô đi tới hàng loạt tình huống bi hài khác. Hết yêu phải kẻ lừa lọc đã có vợ, lại đến vô vàn mối tình dở dở ương ương với nhiều chàng trai thành thị. Cuối cùng, cô kết hôn với một người thanh niên từ quê lên thành phố lập nghiệp.

Một ngày, chồng Huyền Anh thay đổi tâm tính, đẩy cô vào địa ngục vô hình khi cô sinh đứa con đầu. Đó là bởi anh phát hiện ra những tập nhật ký của cô. Ở đấy kể về chuyện cô yêu đương và có thai, phá thai như thế nào. Huyền Anh cùng quẫn rơi vào trầm suýt hóa điên nhưng không ly hôn nổi. Liên tiếp những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống vợ chồng.

Chồng Huyền Anh kiếm được nhiều tiền hơn, tỏ ra khinh cô lẫn các con chữ của cô nhiều lần hơn. Dần dà, anh biến đổi như một người khác. Rượu chè bê tha và cuối cùng là lô đề. Huyền Anh sinh đứa thứ hai. Mâu thuẫn đến đỉnh điểm khi anh toan giết cô chỉ vì những chuyện thường nhật. Bên ngoài nhìn vào, gia đình Huyền Anh là hình mẫu lý tưởng, nhưng bên trong chẳng khác gì chảo dầu sôi sục. Huyền Anh trầm cảm lần hai, bế con bỏ nhà đi. Đó là thời điểm cô và anh cùng nhận ra mọi sự khuyết thiếu ở bản thân. Hai vợ chồng từng bước hóa giải mâu thuẫn để quay về xây đắp một gia đình hạnh phúc. Từ đây, Huyền Anh sẵn sàng đối mặt với mọi sóng gió tiếp theo của cuộc đời mình.

Câu chuyện này tái hiện một cô gái tỉnh lẻ nhưng không quê mùa, cam chịu hay tỏ ra đáng thương mà đầy cấp tiến, bản lĩnh. Đó là cô gái trí thức, giàu nhân văn và lòng trắc ẩn, biết vượt qua cám dỗ, thác ghềnh, tai ương để khẳng định giá trị bản thân, có sự nhạy cảm, quan điểm riêng và cá tính khác biệt. Dù phải đương đầu với nghịch cảnh nghiệt ngã gì cô cũng luôn biết cách tự chữa lành, tự vượt thoát đứng lên, tự bảo vệ, tự làm chủ đời mình và tự tỏa sáng theo cách riêng. Cô là một người bình thường nhưng lại bước nhiều chặng đường khác thường. Dù không hẳn cô là người thành đạt rực rỡ nhưng cũng đủ độ lấp lánh, đủ sắc màu cần thiết để nhiều bạn trẻ có thể nhìn vào mà chiêm nghiệm và rút ra bài học trong bước đường vào đời.

Empty

Câu chuyện “Gái tỉnh lẻ” đặt ra nhiều vấn đề mang tính xã hội nóng bỏng. Không chỉ là vấn đề giáo dục ở trường chuyên, giáo dục tính chuyên nghiệp của nghề, giáo dục giới tính với thanh – thiếu niên, mà còn hàng loạt vấn đề cần quan tâm khác như công ăn việc làm, việc đối xử của con cái với cha mẹ, định kiến cổ hủ trói buộc, hành hạ người phụ nữ, bình đẳng giới, mâu thuẫn trong hôn nhân, gia đình… Đặt ra vấn đề, nêu những nguyên nhân, hệ quả, cùng hàng loạt thắc mắc, phản biện cũng là một cách giải quyết vấn đề ở tác giả nữ này.

Đây là đầu sách thứ 9 và là một trong những sáng tác tâm huyết của Huệ Ninh. Tác giả này từng thành công ở nhiều thể loại như kịch bản phim, kịch bản sân khấu, truyện ngắn, tiểu thuyết… Cô được đánh giá là người “có sức viết dồi dào”, “có sự trăn trở sâu sắc với cuộc đời”, “có sự đau đáu với nghề” (Ts Ngôn ngữ Vũ Tố Nga). “Gái tỉnh lẻ” là tác phẩm được “rút ruột tằm từ một cây bút chắc nghề” hẳn sẽ khiến độc giả thích thú bởi cách kể chuyện cuốn hút, giọng văn tưng tửng, nhân vật sắc nét, với các tình tiết rất đời và sống động.

Cuốn sách được ra mắt tại Nhà hát Tuổi trẻ vào sáng ngày 20/1/2024, với chương trình văn nghệ kết hợp cùng sự thảo luận, tọa đàm của một vài nhà lý luận phê bình văn học và độc giả yêu văn học. Chương trình còn có sự hấp dẫn đặc biệt bởi trích đoạn kịch thể hiện một lát cắt trong nội dung cuốn sách mang nhan đề “Cuộc chiến vợ chồng”.

Bạn cũng có thể thích