FECON đặt kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng, kỳ vọng bứt phá từ 80 dự án trong năm 2024
(Xây dựng) – Mới đây, CTCP FECON (mã chứng khoán: FCN) đã đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Theo đó, năm 2024, doanh thu của FECON dự kiến đến từ 80 dự án nằm trong danh mục đang phát triển mới hoặc chờ kết quả đấu thầu. Bên cạnh đó là hai dự án Square City Phổ Yên và CCN Danh Thắng – Đoan Bái (Bắc Giang).
FECON đã đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 60 tỷ đồng trong năm 2024. |
Vượt khó khăn, tình hình kinh doanh khởi sắc từ quý IV/2023
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế năm 2023, ngành Xây dựng gặp không ít khó khăn dẫn tới nhiều nhà thầu lớn nhỏ không thể tiếp cận nguồn vốn, chịu nhiều rủi ro pháp lý kinh doanh và khó khăn trong công tác thu hồi công nợ từ các chủ đầu tư.
Các dự án đầu tư công, hạ tầng được Chính phủ chú trọng ưu tiên giải ngân, nhưng vấn đề khan hiếm nguồn cung vật liệu, định mức đơn giá dự toán thấp gây khó khăn lớn cho các đơn vị thi công. Các dự án công nghiệp và năng lượng tiếp tục chậm trễ do cơ chế, chính sách chưa được hoàn thiện.
Trong bối cảnh khó khăn đó, mặc dù HĐQT và Ban Tổng giám đốc FECON đã nỗ lực hết mình nhưng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 của Tập đoàn không đạt kế hoạch đã đề ra.
Theo ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch FECON: “Điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 của FECON là hàng loạt dự án thi công lớn được ký kết hợp đồng vào quý IV/2023, nâng tổng giá trị hợp đồng ký kết trong năm lên hơn 4.000 tỷ đồng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận cho năm 2024”.
Kết thúc năm 2023, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tổng tài sản của FECON đạt hơn 8.581 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 2.880 tỷ đồng đạt 76% kế hoạch, hầu hết các công ty thành viên trong hệ thống ghi nhận kết quả lợi nhuận âm trong bối cảnh các khách hàng, chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, số lượng dự án triển khai ít khiến cho lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 42 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, lợi nhuận gộp về hợp nhất đạt hơn 485 tỷ đồng ghi nhận mức tăng đáng kể tới 36% so với mức 356 tỷ đồng của năm trước đó. Tổng chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng cũng đã giảm khoảng 12 tỷ đồng so với năm trước đó. Kết quả cho thấy lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh cốt lõi đã có sự tăng trưởng ổn định trong năm.
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của FECON. |
Trong năm 2023, FECON triển khai nhiều hợp đồng lớn như: Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 Hà Tĩnh, Dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án cảng Lạch Huyện 5 – 6 Hải Phòng; Dự án Nhiệt diện Nhơn Trạch 3 – 4 Đồng Nai…
Các dự án thi công mới ký kết hợp đồng được triển khai từ quý III/2023 gồm: Dự án A09 số 10 Trần Kim Xuyến Hà Nội; Dự án Vinhomes Vũ Yên Hải Phòng; Dự án Trần Thị Lý của Sun Group tại Đà Nẵng… được HĐQT FECON đánh giá là đáng khích lệ trong bối cảnh thị trường xây dựng dựng cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp chỉ xác định mục tiêu có dự án để tồn tại qua giai đoạn khó khăn thay vì mục tiêu lợi nhuận.
Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, năm 2023 FECON vẫn tiếp tục thúc đẩy và duy trì các hoạt động đầu tư dự án, tập trung phát triển và hoàn thiện thủ tục các dự án khu đô thị và khu công nghiệp, trong đó đáng chú ý là hoàn thành thủ tục pháp lý cho Dự án khu đô thị Square City Phổ Yên tại Thái Nguyên và Cụm công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái tại Bắc Giang. Các dự án đầu tư khác trong danh mục tiếp tục được thúc đẩy khả quan.
Đặt mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng cho năm 2024
Năm 2024, FECON đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 60 tỷ đồng, tăng lần lượt 39% và 243% so với kết quả thực hiện năm 2023. Mức cổ tức dự kiến năm 2024 tối đa không quá 5% bằng tiền. Kế hoạch kinh doanh được xây dựng trên cơ sở các dự án đã ký hợp đồng thi công và khối lượng chuyển tiếp từ năm 2023 sang.
“Trong năm 2024, Ban lãnh đạo FECON sẽ tập trung tối đa nguồn lực thực hiện dự án Khu đô thị Square City Phổ Yên và Cụm công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái để nhanh chóng đủ điều kiện bán hàng, tạo doanh thu và lợi nhuận cho FECON. Tập trung tái cấu trúc các khoản vay đầu tư Dự án điện gió Quốc Vinh, Dự án BOT Phủ Lý và thoái vốn khi đạt mức lợi nhuận kỳ vọng”, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch FECON cho biết.
Nhiều thay đổi về các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát mới nhiệm kỳ 2024-2029 được kỳ vọng sẽ mang đến “làn gió mới” cho FECON. |
Đối với phát triển các dự án đầu tư, FECON tập trung vào các dự án hiệu quả cao thuộc các lĩnh vực chiến lược: Bất động sản đô thị, Công nghiệp, Năng lượng tái tạo và Hạ tầng giao thông. FECON cũng sẽ củng cố và tiếp tục phát huy lợi thế ở các mảng kinh doanh đã tạo dựng nên tên tuổi trong giai đoạn 2019-2024, hướng tới tập trung vào các dự án năng lượng LNG, dự án hạ tầng sân bay, cảng biển, đường sắt, ngầm đô thị, xử lý nước thải, cung cấp nước sạch, phù hợp với mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong giai đoạn 2025-2030.
Ngoài thị trường ASEAN, với ưu tiên là các thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, FECON sẽ nghiên cứu và xem xét cơ hội mở rộng thị trường kinh doanh sang Đài Loan (Trung Quốc), Bangladesh… theo hình thức hợp tác với các đối tác lớn. Các Quốc gia này được đánh giá là có nhu cầu phát triển cao, chi phí giá cả phải chăng và đang là thị trường lớn của các đối tác quốc tế quan trọng mà FECON đang bắt tay hợp tác.
Cũng trong khuôn khổ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, FECON đã bầu lại, thông qua Đại hội các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát mới nhiệm kỳ 2024-2029. Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ mang đến “làn gió mới” góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu sản xuất kinh doanh, hướng tới đưa FECON trở thành Tập đoàn hàng đầu về Xây dựng và Phát triển Hạ tầng vào năm 2030.
Nguồn: Báo xây dựng