Facebook sập: Cơn “ác mộng” công nghệ và bài học về sự kết nối
Facebook sập: Cơn “ác mộng” công nghệ |
Trong một thế giới mà sự kết nối không còn là xa xỉ, việc Facebook – mạng xã hội khổng lồ với hơn 3 tỷ người dùng tạm thời “nghỉ ngơi” chỉ trong vòng một giờ đã khiến cả thế giới như chao đảo.
Bà Lê Thị Minh Hằng, Giám đốc truyền thông Tập đoàn SunUni Global Group cho biết: “Thực sự, vào khoảng hơn 10h đêm hôm qua, toàn bộ đội ngũ của chúng tôi đều cảm thấy bối rối. Chúng tôi chuyên về đào tạo trên nền tảng trực tuyến và bán hàng online, tập khách hàng chính cũng đến từ kênh facebook nên việc này đã làm gián đoạn quá trình tư vấn và giao dịch với khách hàng của chúng tôi. Khi đó, không ai biết chính xác lý do tại sao facebook của mình bỗng nhiên bị đăng xuất hoàn toàn, các fanpage, group cũng không vào được… và chúng ta cũng không biết khi nào mọi thứ sẽ trở lại bình thường.”
Sự cố này cũng khiến Tập đoàn SunUni Global Group nhận ra rằng, việc đặt hết nguồn lực vào một kênh duy nhất có thể tiềm ẩn rủi ro. “Chúng tôi đã bắt đầu suy nghĩ về việc đầu tư vào các nền tảng khác, để có thể vận hành song song và giảm thiểu rủi ro từ những sự cố tương tự,” bà Hằng nói.
Ở một góc nhìn khác, bà Hằng cũng chia sẻ suy nghĩ của mình: “Tôi cảm thấy đây là một lời nhắc nhở về việc các doanh nghiệp cần phải không ngừng cập nhật và thích nghi với các nền tảng số, đi bằng hai chân hoặc thậm chí là nhiều chân khi đưa các sản phẩm của mình ra thị trường. Có thể việc chỉ tập trung vào một nền tảng nào đó như TikTok hay facebook sẽ giúp chi phí được tối ưu, tuy nhiên rủi ro là khi các nền tảng này có sự cố chúng ta sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào nó. Công nghệ luôn thay đổi, và chúng ta cần phải linh hoạt giữa ứng dụng nền tảng online và offline để đảm bảo rằng doanh nghiệp không bị tụt hậu nhưng cũng kiểm soát được các vấn đề rủi ro có thể xảy ra với doanh nghiệp mình.”
Qua cuộc trao đổi với bà Lê Thị Minh Hằng, không chỉ cho thấy cái nhìn vào cách mà một doanh nghiệp lớn đối mặt với những thách thức của thời đại số, mà còn là một bài học quý giá về sự chuẩn bị và đa dạng hóa trong kinh doanh.
Trong thế giới thương mại điện tử đang bùng nổ, Facebook đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của nhiều chủ shop online.Chị Nguyễn Thị Thanh Minh chủ shop online quần áo và hoa ngày 8/3 – một người có kinh nghiệm trong việc kinh doanh qua mạng xã hội, đã chia sẻ về tầm quan trọng của Facebook đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Chị Minh cho biết: “Facebook là kênh bán hàng chính của tôi. Tối qua khi Facebook gặp sự cố, tôi quyết định tắt máy và đi ngủ, tin rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường sáng hôm sau. Đôi khi, những sự cố như thế này cũng không hiếm gặp.”
Tiếp tục giải thích về cách thức ứng phó khi Facebook gặp sự cố vào ban ngày, chị Minh cho biết: “Tôi và nhân viên sẽ tập trung vào việc sắp xếp đơn hàng và các công việc khác của cửa hàng. Điều này giúp chúng tôi không bị lệ thuộc hoàn toàn vào Facebook và có thể linh hoạt điều chỉnh kế hoạch làm việc.”
Chị Minh cũng bày tỏ sự thông cảm với những người mới kinh doanh online, họ có thể không biết cách xử lý khi Facebook gặp sự cố, có thể mất rất nhiều tiền để thuê khôi phục tài khoản. “Đó là một bài học đắt giá về việc không đặt tất cả trứng vào một giỏ,” chị Minh nhấn mạnh.
Khi được hỏi về cảm xúc của mình trong những lần Facebook không hoạt động lâu, chị Minh không giấu nổi lo lắng về doanh số. Tuy nhiên, chị cũng nhìn nhận đây là cơ hội để suy nghĩ về việc mở rộng kênh bán hàng của mình. “Không thể phụ thuộc hoàn toàn vào một mạng xã hội,” chị Minh khẳng định. “Tôi đang đầu tư thêm các nền tảng khác như TikTok, Instagram hay thậm chí là xây dựng website riêng để đa dạng hóa cách thức tiếp cận khách hàng.”
Câu chuyện của chị Minh không chỉ là một minh chứng về sức mạnh của Facebook trong lĩnh vực bán hàng online, mà còn là một bài học quý báu về việc chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ.
Còn cô Trần Thị Minh Thư, chuyên viên chương trình học mầm non tại công ty Cổ phần giáo dục Nuri, cho biết: “Tôi thực sự hoang mang, không biết chuyện gì đang xảy ra, lẫn lộn giữa việc mất kết nối và mất tài khoản cá nhân”.
Sự cố này đã làm lộ rõ thói quen và sự phụ thuộc vào mạng xã hội của cô. “Chuyển qua TikTok, tôi chỉ có thể xem livestream mà không thể theo dõi nhật ký như trên Facebook. Cảm giác như trở về thời “tối cổ”, không biết phải làm gì tiếp theo”, cô nói thêm.
Cô Thư cũng mô tả cảm giác “nghiện” mạng xã hội, một nơi cô thường xuyên cập nhật thông tin và giao lưu sau một ngày làm việc căng thẳng. Sự cố Facebook đã khiến cô nhận ra mức độ ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống cá nhân và công việc.
May mắn thay, sau một thời gian ngắn, Facebook đã trở lại hoạt động bình thường giúp cô Thư và hàng triệu người dùng khác trên thế giới thở phào nhẹ nhõm. Sự kiện này không chỉ là một sự gián đoạn nhất thời mà còn là một bài học về việc chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống không lường trước được trong kỷ nguyên số.
Facebook đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Từ việc giữ liên lạc với bạn bè và gia đình, đến việc cập nhật tin tức, quảng bá thương hiệu cá nhân và kinh doanh, Facebook đóng vai trò là một trung tâm thông tin toàn cầu.
Tuy nhiên, khi Facebook tạm thời “ngủ quên”, nhiều người bắt đầu cảm thấy lo lắng và bất an. Sự phụ thuộc vào mạng xã hội này đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, và đặt ra câu hỏi về việc chúng ta sẽ tìm kiếm sự kết nối như thế nào nếu không có nó.
Facebook đã giúp con người xích lại gần nhau hơn, trao đổi thông tin một cách thuận tiện và không biên giới. Thông qua Facebook, chúng ta có thể tiếp cận với một lượng lớn thông tin đa chiều, từ nhiều nguồn khác nhau.
Đặc biệt, Facebook đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán hàng online, tạo ra cơ hội kinh doanh cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Nền tảng này đã trở thành một thị trường rộng lớn, nơi các doanh nghiệp nhỏ lẻ có thể tiếp cận với khách hàng mà không cần đến cửa hàng truyền thống.
Câu hỏi đặt ra là, nếu một ngày Facebook ngừng hoạt động, liệu chúng ta sẽ tìm nhau như thế nào? Việc xây dựng một mạng lưới kết nối mới có thể mất hàng chục năm, và không có gì đảm bảo rằng nó sẽ thành công như Facebook.
Tuy nhiên, sự cố này cũng là một cơ hội để chúng ta suy ngẫm về việc đa dạng hóa các phương thức giao tiếp và kết nối. Có thể chúng ta sẽ quay trở lại với những cuộc gọi điện thoại, thư từ, hoặc thậm chí là tìm đến những nền tảng mạng xã hội mới nổi.
Sự cố Facebook “nghỉ ngơi” một giờ đã làm dấy lên nhiều lo ngại, nhưng cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận lại mối quan hệ của mình với công nghệ. Đây là lúc để chúng ta cân nhắc lại cách thức sử dụng mạng xã hội, tìm kiếm sự cân bằng và chuẩn bị cho một tương lai có thể không có sự hiện diện của Facebook.
Nguồn: Báo lao động thủ đô