EU thúc đẩy mục tiêu xoá bỏ dần nhiên liệu hoá thạch tại COP28

EU thúc đẩy mục tiêu xoá bỏ dần nhiên liệu hoá thạch tại COP28

Ngày 17/10, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí sẽ thúc đẩy mục tiêu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch theo quan điểm đàm phán cho hội nghị khí hậu COP28 sắp tới của Liên hợp quốc.

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ thúc đẩy các nhà đàm phán tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ diễn ra tại Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) từ ngày 30/11 đến 12/12. EU đồng ý loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch “không suy giảm” trên toàn cầu.

Nhiên liệu hóa thạch không suy giảm là các nguồn tài nguyên than, dầu và khí đốt không có cơ chế loại bỏ phần lớn lượng khí thải của chúng. Việc đốt than, dầu và khí đốt tạo ra khí nhà kính và là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Trong khi các quốc gia đang nỗ lực thành lập một mặt trận thống nhất, một số quốc gia thành viên EU lại phản đối việc loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch.

Một nhóm gồm 10 quốc gia EU, bao gồm Đan Mạch, Pháp, Đức, Ireland, Hà Lan và Slovenia, muốn khối này yêu cầu loại bỏ dần tất cả các nhiên liệu hóa thạch.

Một nhóm 10 quốc gia khác, bao gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Ý, Malta, Ba Lan và Slovakia, thận trọng hơn và tán thành việc chỉ loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch ‘không suy giảm’, điều này sẽ cho phép các quốc gia tiếp tục đốt than, khí đốt và dầu nếu họ sử dụng công nghệ để thu giữ lượng khí thải phát sinh.

Thỏa thuận của EU lưu ý rằng các công nghệ thu giữ khí thải “tồn tại ở quy mô hạn chế và được thiết kế chủ yếu để giảm lượng khí thải trong các lĩnh vực mà việc giảm phát thải là một thách thức”.

Theo kết quả đạt được sau cuộc họp các bộ trưởng phụ trách vấn đề khí hậu của EU ở Luxembourg, khối này nhất trí sẽ thúc đẩy mục tiêu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ lên tới mức đỉnh điểm trong thập kỷ này. Ngoài ra, EU cũng sẽ kêu gọi loại bỏ các khoản trợ cấp “sớm nhất có thể” đối với các nhiên liệu hóa thạch không nhằm mục đích ứng phó tình trạng thiếu hụt năng lượng hoặc đảm bảo “sự chuyển đổi công bằng”, tuy nhiên không đặt ra thời hạn cụ thể cho quá trình này.

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp các bộ trưởng môi trường EU nêu rõ: “Hội đồng (châu Âu) nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa khí hậu đòi hỏi phải loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lên tới mức đỉnh điểm trong thập kỷ này”. Bên cạnh đó, EU công nhận “tầm quan trọng của mục tiêu ngành năng lượng chủ yếu không còn nhiên liệu hóa thạch trước năm 2050”.

EU đang tìm cách tăng gấp 3 lượng tiêu thụ năng lượng tái tạo toàn cầu vào cuối thập kỷ này và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng phù hợp với lộ trình mà Chủ tịch COP28 đề ra.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Theo nhất trí của 27 quốc gia thành viên EU, khối này hướng tới giảm lượng khí thải “tối thiểu 55% vào năm 2030 so với mức của năm 1990”, đồng thời kêu gọi đẩy mạnh thực thi các thỏa thuận tài trợ được đưa ra trong COP27 để bù đắp cho các nước nghèo hơn khi họ chuyển sang sản xuất và sử dụng năng lượng xanh hơn.

Ông Wopke Hoekstra, ủy viên EU phụ trách các vấn đề khí hậu – người sẽ đại diện EU đàm phán tại COP28 – nhấn mạnh sự cần thiết của công nghệ thu giữ carbon như một phần của giải pháp tổng thể nhằm giảm lượng khí thải trên diện rộng.

Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi sinh thái Tây Ban Nha – nước chủ trì cuộc họp ở Luxembourg – bà Teresa Ribera cho rằng trước mắt, các công nghệ thu hồi carbon “nên gắn liền với những lĩnh vực khó thực hiện quá trình khử carbon, những lĩnh vực khó loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong một số quy trình công nghiệp”. Bà nêu rõ: “Mục tiêu dài hạn là loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch”. 

Bà Ribera khẳng định: “Chúng tôi sẽ đi đầu trong các cuộc đàm phán để thể hiện cam kết mạnh mẽ nhất của EU đối với quá trình chuyển đổi xanh và khuyến khích các đối tác của chúng tôi cùng thực hiện”.

Trước đó, ngày 16/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày kế hoạch hạn chế ô nhiễm do rò rỉ vi nhựa từ các hạt nhựa cỡ nhỏ được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp. EC đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các công ty sử dụng vật liệu này. Các nhà khai thác viên nhựa tại EU sẽ phải thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm hạn chế việc để hạt vi nhựa thoát ra ngoài môi trường do xử lý sai cách. Nếu xảy ra sự cố, các công ty này sẽ phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn nguy cơ rò rỉ và thực hiện các hoạt động làm sạch nếu cần thiết. Trong trường hợp vi phạm, những công ty này có thể bị xử phạt.

Có khoảng 52.000 đến 184.000 tấn viên nhựa thải ra ngoài môi trường mỗi năm do xử lý không đúng phương pháp trong toàn bộ chuỗi cung ứng. EC hy vọng, đề xuất trên sẽ làm giảm 74% lượng nhựa viên thải ra ngoài môi trường.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích