EU dự định áp tiêu chuẩn mới về môi trường với các nước đang phát triển
Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất rằng các nước đang phát triển nếu muốn được hưởng lợi từ việc tiếp cận ưu đãi vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới về môi trường và quản trị, đồng thời tuân thủ các cam kết bổ sung về nhân quyền và quyền lao động. Với lần sửa đổi này của “Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập” (GSP) sẽ được áp dụng vào năm 2024, EU mong muốn chú trọng hơn vào chiến lược môi trường của chính mình và mục tiêu trung hòa khí thải carbone vào năm 2050.
Do đó, EC đang đề xuất một “GSP xanh hơn” bằng cách mở rộng danh sách các công ước quốc tế mà các nước hưởng lợi GSP + phải phê chuẩn, bao gồm cả Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. GSP, một công cụ của chính sách phát triển và thương mại của EU, được áp dụng từ năm 1971, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường cộng đồng cho các nước thu nhập thấp, bằng cách loại bỏ hoặc giảm thuế quan.
Các nước đang phát triển nếu muốn được hưởng lợi từ việc tiếp cận ưu đãi vào thị trường EU thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới về môi trường và quản trị. Ảnh minh họa
Hệ thống mới này vẫn bao gồm 3 cơ chế của hệ thống hiện tại với quyền tiếp cận thương mại ưu đãi dành cho 67 quốc gia mà không cần có đi có lại. Trong đó cơ chế “Mọi thứ trừ vũ khí” miễn thuế và hạn ngạch cho các nước kém phát triển nhất, ngoại trừ vũ khí và đạn dược. Cơ chế thứ hai được gọi là tiêu chuẩn tập hợp các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp hơn, chẳng hạn như Ấn Độ và Nigeria, được hưởng lợi từ việc giảm hoặc xóa bỏ hoàn toàn thuế đối với 2/3 sản phẩm.
GSP +, một “chế độ khuyến khích đặc biệt cho phát triển bền vững và quản trị tốt”, giảm thuế quan xuống 0% đối với các sản phẩm giống như cơ chế tiêu chuẩn, được cung cấp cho nhóm nước thứ ba, bao gồm Pakistan và Philippines. Là một phần của đề xuất mới từ EC, sẽ có hiệu lực trong 10 năm kể từ năm 2024, 6 công ước mới sẽ được bổ sung, bao gồm thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các công ước về quyền của người khuyết tật và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Với những thay đổi mới, đề xuất của EC tập trung GSP của EU nhiều hơn vào việc giảm nghèo và mở rộng cơ hội xuất khẩu cho các nước có thu nhập thấp. EU có thể rút lại quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường của mình do vi phạm nhân quyền hoặc quyền lao động. Với đề xuất mới, các quyền này cũng có thể bị thu hồi trong trường hợp vi phạm các công ước liên quan đến môi trường và quản trị tốt.
Bảo An (T/h)