EU bắt đầu tiến hành dán nhãn năng lượng mới lên các sản phẩm chiếu sáng
Theo EU, quy định này nhằm giảm chi phí về năng lượng và lượng khí thải carbon hiện nay ở các nước. Đồng thời, giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng nhất. Đặc biệt, nhãn năng lượng mới đánh dấu sự quay trở lại thang điểm từ A (đối với các sản phẩm tiết kiệm năng lượng nhất) đến G (đối với sản phẩm kém hiệu quả nhất).
Ủy ban châu Âu nêu rõ nhãn năng lượng mới đơn giản hơn, dễ nhận biết để so sánh hơn so với các nhãn “A+”, “A++” hoặc “A+++” về mức tiết kiệm năng lượng và hạn chế khí thải carbon của sản phẩm. Ngoài ra, các nhãn mới còn có thêm mã QR liên kết đến cơ sở dữ liệu châu Âu cung cấp thêm thông tin chi tiết về sản phẩm.
Không chỉ tại châu Âu, tại Đông Nam Á, vào hồi tháng 2/2021, Philippines cũng đã ra thông báo về dự thảo hướng dẫn thực hiện ghi nhãn năng lượng đối với sản phẩm điện tử, chiếu sáng (cụ thể làTivi).
Theo đó, hướng dẫn này cung cấp yêu cầu sản phẩm cụ thể đối với Ti vi và các thông tin liên quan khác để được các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối, đại lý và các bên liên quan chính khác hướng dẫn và tuân thủ. Trong đó yêu cầu đối với sản phẩm TV, phụ lục D.3 của PELP đính kèm bao gồm những nội dung như: Phạm vi; Định nghĩa; Tài liệu tham khảo quy chuẩn; Phương pháp lấy mẫu để kiểm tra xác minh; Hướng dẫn cụ thể để tiến hành kiểm tra xác minh; Kiểm tra các mô hình chung; Giám sát; Hiệu suất năng lượng tối thiểu; Dung sai; Đánh giá hiệu suất tiết kiệm năng lượng của TV; Đặc điểm kỹ thuật và Kích thước Nhãn năng lượng; Trình bày nhãn năng lượng; Điều chỉnh xếp hạng hiệu suất; Hiệu lực của Nhãn năng lượng; Thông tin trong nhãn.
Việc dán nhãn năng lượng cho các thiết bị chiếu sáng đang được tiến hành tại nhiều quốc gia. Ảnh minh họa
Tất cả các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và phân phối TV phải tuân thủ thủ tục đăng ký sau được nêu trong Phụ lục B của PELP IG. Mục tiêu và cơ sở lý luận, bao gồm bản chất của các vấn đề cấp bách nếu có: Thông tin người tiêu dùng, ghi nhãn; Ngăn chặn các hành vi lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, năm 2019, Bộ Công Thương cũng đã công bố tiêu chuẩn kỹ thuật và ban hành hướng dẫn công bố hiệu suất và dán nhãn năng lượng áp dụng cho Chương trình dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm đèn LED. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2020 tiêu chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật trong dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm đèn chiếu sáng LED sẽ chính thức được áp dụng.
Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối và kinh doanh sản phẩm chiếu sáng LED phải đáp ứng các tiêu chuẩn này trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Đối với đèn chiếu sáng LED tham gia chương trình dán nhãn năng lượng phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật gồm yêu cầu về công suất, quang thông đèn, tuổi thọ tối thiểu, yêu cầu về an toàn và hiệu suất năng lượng.
Theo nhận định của các chuyên gia, ngành chiếu sáng Việt Nam hiện chiếm 25% tổng lượng tiêu thụ điện và có tiềm năng tiết kiệm điện khoảng từ 10-15%. Do vậy, việc dán nhãn năng lượng là một công cụ hiệu quả thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia…
Mục tiêu của chương trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu nhằm tiết kiệm tiêu dùng, tích lũy khoảng 10.000 tỷ đồng và giảm phát thải 34 triệu tấn CO2 tính tới năm 2030. Chương trình dán nhãn năng lượng cũng đặt ra mục tiêu lượng điện quốc gia tiết kiệm sẽ vào khoảng 6.000 GWh/năm, giảm nhu cầu đối với khoảng hai nhà máy nhiệt điện đốt than công suất 500 MW (tương đương với 1 tỉ USD đầu tư nhà máy điện).
Việc Bộ Công Thương triển khai chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc với các sản phẩm LED lưu hành trên thị trường được kỳ vọng sẽ đảm bảo mục tiêu tiết kiệm năng lượng, kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bảo Linh (Tổng hợp)