ESG – Chìa khóa cho Phát triển bền vững

Hội thảo đã tạo ra diễn đàn trao đổi thẳng thắn, chia sẻ những giải pháp sáng tạo, những ứng dụng mới nhằm thúc đẩy và lan tỏa giá trị bền vững trong mỗi doanh nghiệp, tạo nên những cộng đồng doanh nghiệp bền vững ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau. Điểm đặc biệt của Hội thảo năm nay là hai phiên thảo luận mở với sự góp mặt của các đại diện đến từ UNDP Việt Nam, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường và hàng chục doanh nghiệp.

Tại phiên thảo luận đầu tiên do Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh chủ trì, các diễn giả đại diện cho các doanh nghiệp SABECO, CME Solar, FTI Consulting, KPMG đã có cơ hội trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia về thực tế thực hành ESG tại Việt Nam. Phiên thảo luận cũng đưa ra một số khuyến nghị về chính sách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng triển khai và áp dụng rộng rãi các tiêu chí ESG trong hoạt động của mình.

Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh

 Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh

Trong phiên thảo luận thứ 2, đại diện các doanh nghiệp NESTLÉ Việt Nam, AEON Việt Nam, IPEI Belgium, TH Group, TUI Blue Nam Hoi An đã đưa ra những câu chuyện thú vị về hành trình hiện thực hóa thành công các mục tiêu về dịch vụ, sản xuất và tiêu dùng, bài học kinh nghiệm và mong muốn tiếp tục được đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ, ngành liên quan trên chặng đường thực hiện sứ mệnh thúc đẩy tiêu dùng- sản xuất bền vững.

Theo ông Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập báo Đầu tư, Báo đã luôn nhận được sự đồng hành, ủng hộ nhiệt thành của các thành phần tham gia trong xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức. Tại cuộc hội thảo này, báo Đầu tư mong muốn được bày tỏ sự trân trọng và tri ân sâu sắc đối với các đơn vị đã đồng hành vì sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. 

“Phát triển bền vững phải dựa trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, Xã hội và Môi trường. Coi nhẹ bất cứ yếu tố nào đều khiến con đường trở nên khấp khểnh và mục tiêu sẽ rời xa. Đặc biệt trong một bối cảnh thế giới đang vận động nhanh với những cam kết ngày càng mạnh mẽ, những tiêu chí đề ra ngày một khắt khe thì lựa chọn của từng thành phần tham gia sẽ càng khó khăn hơn, đòi hỏi những đối sách, biện pháp tối ưu để không những không bị loại khỏi cuộc chơi mà còn trở thành người chiến thắng”, ông Lê Trọng Minh nhận định và cho rằng: “Về phía cộng đồng doanh nghiệp, một chủ thể của tiến trình phát triển bền vững, những nghiên cứu lớn gần đây trên thế giới đều chỉ ra rằng, doanh nghiệp sẽ trở nên đáng tin cậy hơn, hấp dẫn hơn trong mắt xã hội và các đối tác nếu biết quan tâm và theo đuổi các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị, gọi tắt là ESG, dù trong đó có thể có thành tố này được coi trọng hơn thành tố khác. Các doanh nghiệp tham gia thảo luận tại cuộc hội thảo hôm nay chắc chắn sẽ mang đến cho chúng ta những câu chuyện thực tế sinh động và thú vị, những bài học kinh nghiệm quý báu để minh chứng cho những nhận định như vậy”.

Ông Lê Trọng Minh đánh giá: “Dù rất nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được vấn đề này, vô vàn khó khăn và thử thách vẫn cần phải đối mặt và vượt qua để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững. Sự thiếu hụt nguồn lực cả con người, tài chính và những am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về ESG, những cam kết ngày càng cao đối với cộng đồng quốc tế, trong đó có mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Chính phủ tưởng như vẫn còn xa xôi…đòi hỏi những nỗ lực tự thân cao nhất từ mỗi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần những hành lang pháp lý thông thoáng và môi trường thuận lợi hơn, cũng như những khuyến khích và ưu tiên từ Nhà nước để có thể đủ sức vượt qua những rào cản này”.

Cũng theo ông Minh: “Hành động của mỗi doanh nghiệp dù nhỏ đều đóng vai trò quan trọng vào tiến trình thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng. Tôi tin rằng với sự chia sẻ, đồng hành của ngày càng nhiều doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp tiêu biểu đang có mặt /tại đây, sẽ góp phần lan tỏa và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam hiểu hơn về các tiêu chí ESG và áp dụng nó vào hoạt động”.

Theo nhận định của giới chuyên gia, ESG là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Sau đại dịch, quản trị doanh nghiệp bền vững và thực hành đánh giá doanh nghiệp trên khung ESG đang nổi lên là một xu hướng dẫn dắt cho đầu tư trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

 Quang cảnh hội thảo do báo Đầu tư tổ chức

Theo báo cáo: “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam” do PwC công bố ngày 26/10, có 80% doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong vòng 2-4 năm tới. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu hành trình ESG và đang tồn tại một khoảng cách lớn từ kỳ vọng tới hành động. Trong khi 57% các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG thì 58% các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam lại đang tiếp cận theo hướng “quan sát và chờ đợi”. Lý do là hầu hết các doanh nghiệp trên đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu kiến thức về ESG.

Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, có 79% nhà đầu tư toàn cầu đồng ý rằng phương pháp quản lý rủi ro và cơ hội liên quan tới ESG là yếu tố quan trọng khi đưa ra quyết định đầu tư vào một công ty.

Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và sự thay đổi đến từ đại dịch, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm hơn tới việc tiếp cận các tiêu chí về ESG với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển con người và xã hội.

Tại diễn đàn “Thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Việt Nam chủ trì cách đây vài ngày, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng khẳng định: “Thực hiện ESG sẽ là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm được những ý tưởng xuất sắc, xây dựng mô hình, câu chuyện điển hình, tạo tác động lan tỏa, khuyến khích doanh nghiệp khác cùng tham gia nhằm thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững”.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ – Giám đốc Nhân sự, Truyền thông và Đối ngoại, AEON Việt Nam: “AEON Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh nâng cao phong cách sống hàng ngày cho khách hàng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam bằng cách thúc đẩy, cải tiến và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh bán lẻ, gia tăng và mang tới những giá trị mới cho khách hàng, hướng đến tương lai phát triển bền vững. Chúng tôi tập trung vào 2 nhiệm vụ chính: Xây dựng hệ thống phân phối bền vững và Thúc đẩy tiêu dùng bền vững. AEON Việt Nam tìm kiếm và phối hợp cùng các nhà cung cấp để nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới của nhãn hàng riêng AEON theo các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, từ đó gia tăng tỷ lệ nhóm sản phẩm này trong hệ thống. Theo kế hoạch, tới năm 2025, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh các sản phẩm này tại hệ thống kinh doanh, giới thiệu tới người tiêu dùng Việt thêm nhiều sản phẩm chất lượng. 

Ngoài ra, AEON Việt Nam còn triển khai hàng năm các hoạt động kết nối, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Việt đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm địa phương tới người tiêu dùng và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, hỗ trợ nhà cung cấp hướng đến mục tiêu đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, thông qua hệ thống bán lẻ của AEON. Tính đến năm 2022, tỷ lệ hàng hóa nội địa trong hệ thống bán lẻ của AEON Việt Nam đạt 80%. AEON còn cam kết đồng hành cùng khách hàng trong hành trình hướng đến tiêu dùng bền vững thông qua nhiều chiến dịch và sáng kiến nổi bật như: sử dụng 100% túi ni-lông phân hủy sinh học, “Cho thuê túi môi trường – Rent a bag”, ngừng bán các sản phẩm nhựa dùng một lần…Với những nỗ lực bền bỉ và xuyên suốt trong nhiều năm qua, AEON Việt Nam đã lan tỏa thói quen tiêu dùng bền vững tới hàng triệu người tiêu dùng Việt và sẽ tiếp tục đồng hành với các đối tác để thúc đẩy tiêu dùng xanh, góp phần xây dựng thị trường bán lẻ Việt bền vững.

Ông Anton Bespalov, Tổng quản lý Khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An cho biết: “Tất cả các khách sạn do TUI Group quản lý đều coi mình là một phần không thể thiếu của cộng đồng địa phương, chính quyền địa phương và các bên liên quan. Chúng tôi tích cực hỗ trợ các dự án thông qua Tổ chức Chăm sóc TUI để thúc đẩy sự phát triển của các điểm đến kỳ nghỉ. Chúng tôi cam kết về tính bền vững được xem xét theo các tiêu chí được quốc tế công nhận của Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu và chúng tôi đang liên tục cải thiện. Chúng tôi cam kết phát triển bền vững bằng cách triển khai các hoạt động ở cấp độ khách sạn nhằm tạo ra tác động và thay đổi tích cực. Điều này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức: thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng và nước, hoàn thành việc dọn dẹp bãi biển thường xuyên, và đóng góp vào nền kinh tế địa phương. Chúng tôi cũng thông báo cho khách về các chủ đề liên quan đến môi trường, xã hội và tính bền vững. Mỗi hành động đều mang lại tác động tích cực đến môi trường cũng như cộng đồng của chúng ta. Tính bền vững tại TUI BLUE – và toàn bộ TUI Group – hoạt động với phương châm: “Better Holidays, Better World”, giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn.”

 
Nhân dịp này, Báo Đầu tư cũng tổ chức Lễ vinh danh doanh nghiệp đồng hành cùng Sự nghiệp Phát triển Bền vững cho gần 40 doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đồng hành cùng các chương trình Phát triển bền vững và CSR của cơ quan Báo Đầu tư trong hành trình 5 năm qua. Đây cũng là những doanh nghiệp đã tiên phong ứng dụng tiêu chí Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) nhằm ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng do bệnh dịch, bất ổn địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng để duy trì hoạt động ổn định, phát triển bền bỉ, đóng góp cho cộng đồng và bảo vệ môi trường.
 

Từ thực tế áp dụng ESG, ông Bùi Trung Kiên – Phó chủ tịch, Công ty CP Đầu tư CME Solar nhận định: “Việc áp dụng ESG đã mang lại những kết quả cụ thể, tích cực, cụ thể và lâu dài trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất, ESG giúp kiểm soát những rủi ro có thể phát sinh liên quan đến yếu tố môi trường, góp phần bảo vệ môi trường. Thứ hai, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí: Việc áp dụng ESG sẽ đòi hỏi các chi phí đầu tư ban đầu cho thay đổi quy trình, thói quen vận hành doanh nghiệp. Đây thường là cản trở ban đầu khi lãnh đạo doanh nghiệp cân nhắc, đưa ESG vào áp dụng. Tuy nhiên nếu so sánh thì lợi ích ESG mang lại là rất lớn, trong nhiều trường hợp là lợi ích lâu dài, có tính chất quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Thứ ba, hỗ trợ thu hút nguồn vốn đầu tư bền vững: ESG ngày nay đã trở thành yếu tố đánh giá quan trọng của các quỹ, các tổ chức đầu tư trên thế giới khi xem xét đầu tư, đặc biệt là các tổ chức đầu tư bền vững. Thứ tư, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp: Ngay cả đối với tài trợ vốn vay; việc áp dụng ESG cũng dần trở thành tiêu chí phổ biến, đặc biệt đối với nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính phát triển bền vững, vay nước ngoài. Thứ năm, giúp gia tăng khả năng tiếp cận thị trường: Việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty không chỉ yêu cầu bởi các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính và đã trở thành yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ,…”

Hồng Anh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích