‘Ế ẩm’ nhưng giá bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cao
Mặc dù nhiều dự án nghỉ dưỡng được các chủ đầu tư chiết khấu từ 30 – 40% cũng như ban hành các chính sách cam kết mua lại, thuê lại,… để kích cầu thị trường nhưng giá bán sơ cấp của phân khúc này vẫn tăng so với tháng trước, dao động từ 9 – 10%.
Báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam cho biết, trong tháng 10 có tổng cộng 1.267 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới được cung cấp ra thị trường. Dù thanh khoản thị trường chững lại ở mức thấp, giá bán sơ cấp vẫn ghi nhận tăng so với giai đoạn mở bán trước.
Trong đó, với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, trong tổng số 9 dự án mở bán sản phẩm mới trong tháng, có tới 3 dự án không phát sinh giao dịch. Sức cầu thị trường giảm đáng kể, tỷ lệ tiêu thụ chỉ ở mức 15% – mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, mức giá bán sơ cấp vẫn tăng so với tháng trước, dao động từ 9 – 10%. Nhiều dự án được các chủ đầu tư chiết khấu lên đến 30 – 40% cũng như ban hành các chính sách cam kết mua lại, thuê lại,… nhằm kích cầu thị trường ở thời điểm hiện tại.
Trong giai đoạn khó khăn chung của thị trường, mặt bằng giá sơ cấp của bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tăng 5 – 9% so với giai đoạn mở bán trước đó. (Ảnh minh họa) |
Do đó, DKRA dự đoán giá bán sơ cấp sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trong các tháng cuối năm do chi phí đầu vào, lạm phát, lãi suất tăng cao.
Với phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, sức cầu thị trường ở mức rất thấp, hầu hết các dự án đều có tình hình bán hàng chậm, lượng hàng tồn kho nhiều. Tuy nhiên mặt bằng giá sơ cấp vẫn tăng 5 – 9% so với giai đoạn mở bán trước đó (cách 1 – 2 tháng).
Còn với condotel, tỷ lệ tiêu thụ tháng 10 chỉ đạt 16% trong tổng số 554 căn mới. Lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Các dự án đều có tình hình bán hàng chậm, lượng tin rao sụt giảm mạnh so với tháng trước.
Mặt bằng giá sơ cấp tăng 1 – 3% so với giai đoạn mở bán trước đó 1 – 2 tháng. Tuy nhiên, việc tăng giá sẽ kèm theo các chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết lợi nhuận… của chủ đầu tư nhằm hỗ trợ khách hàng giữa bối cảnh khó khăn của thị trường.
DAKA nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những phân khúc có dấu hiệu bị ảnh hưởng lớn nhất trong bối cảnh thị trường trầm lắng hiện tại. Bởi lẽ, khách hàng đang rất khó khăn trong việc huy động vốn ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, nền kinh tế đang có dấu hiệu lún sâu vào lạm phát nên việc đầu tư lúc này đối với nhiều khách hàng là quá mạo hiểm và rủi ro…
Nguồn: Báo xây dựng