Duyệt phim ở ta có khắt khe hơn một số quốc gia khác?

Cảnh phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm” của đạo diễn Khoa Nguyễn. Ảnh chụp lại từ màn hình
Cảnh phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm” của đạo diễn Khoa Nguyễn. Ảnh chụp lại từ màn hình

Dĩ nhiên, mỗi nước có một nền văn hóa khác nhau, vì thế yếu tố “thuần phong mỹ tục” cũng sẽ khác nhau, tuy nhiên việc so sánh, đối chiếu duyệt phim ở ta so với một số nước là điều cần thiết, nhất là khi dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua, dự kiến vào tháng 10 năm nay.

Vì sao phải duyệt phim?

Câu trả lời đơn giản vì phim có tính phổ biến sâu rộng tới nhiều lớp đối tượng khán giả khác nhau, trong khi có thể hàm chứa nhiều yếu tố như tình dục, khỏa thân, bạo lực, kinh dị, ma túy – chất gây nghiện… Có phim phù hợp với đối tượng này, nhưng lại không thích hợp cho một bộ phận người xem khác và ngược lại. Có cảnh bắn giết phù hợp trong phim hành động nhưng đưa vào phim tình cảm lại hoàn toàn phản tác dụng…

Nhưng tác động của phim ảnh rất mạnh, chả thế mà nhiều thủ phạm giết người ở tuổi vị thành niên khi bị bắt khai là bị kích động muốn làm theo mẫu “người hùng” của phim.

Đó là chưa kể văn hóa, phong tục tập quán mỗi nước khác nhau, mỗi châu lục khác nhau.

Bởi thế, nhiều quốc gia phải thành lập hội đồng duyệt phim gồm nhiều thành viên từ nhà phê bình, đạo diễn, biên kịch và đại diện một số cơ quan khác có liên quan, trong nhiều trường hợp khó xử còn mời thêm một số chuyên gia từng lĩnh vực chuyên môn hẹp. Ở nhiều nước như: Trung Quốc, Hàn quốc, Australia, Singapore, Ấn Độ… việc kiểm duyệt phim sẽ do cơ quan chuyên trách thuộc chính phủ đảm nhiệm chứ không giao cho các đơn vị tư nhân. Riêng ở Hoa Kỳ thì việc kiểm duyệt, đánh giá được giao cho Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) nhưng vẫn có các cơ quan kiểm duyệt phim ảnh trực thuộc chính phủ ở các tiểu bang để kiểm duyệt phim phát hành trong lãnh thổ tiểu bang đó.

Tương đồng và khác biệt

Hiện ở ta, việc phân loại phim có 4 mức: Phổ biến rộng rãi, C13 (cấm khán giả dưới 13 tuổi), C16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi), C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi).

Hoa Kỳ đưa ra 5 mức phân loại phim là G (phổ biến rộng rãi), PG (từ 9 tuổi trở lên), PG-13 (13+), R (16+) và NC-17 (17+). Hệ thống phân loại của Hàn Quốc cũng có 5 mức: Toàn thể khán giả, Khán giả trên 12 tuổi, Khán giả trên 15 tuổi, Chỉ dành cho người lớn (cấm khán giả dưới 18 tuổi) và Chiếu hạn chế – phim chiếu trong phạm vi nhất định để tuyên truyền, quảng cáo vì chúng thể hiện thái quá sự dâm ô, bạo lực, các hành vi xã hội…

Phân loại phim của Ủy ban phân loại điện ảnh Vương quốc Anh nhiều nhất với 7 mức độ: U (Phổ biến) – Dành cho mọi lứa tuổi, PG – Trẻ em nên xem cùng cha mẹ. 12 – Cấm trẻ em dưới 12 tuổi. 15 – Cấm trẻ em dưới 15 tuổi. 18 – Cấm trẻ em dưới 18 tuổi, áp dụng với phim tương đương mức R của Hoa Kỳ. R18 – Phim có nội dung khiêu dâm, cấm trẻ em dưới 18 tuổi, đồng thời chỉ được chiếu trong các cửa hàng bán băng đĩa khiêu dâm. Và mức cao nhất là cấm trình chiếu (Banned).

Theo Wikipedia, từ năm 1985 đến năm 2018, Ủy ban phân loại điện ảnh Vương quốc Anh (BBFC) đã cấm 39 bộ phim có những nội dung được xem là vi phạm pháp luật và đạo đức. Ngoài ra, BBFC đã yêu cầu chỉnh sửa, cắt bỏ với rất nhiều bộ phim khác. Như năm 1999, bộ phim chiến tranh “The Dam Busters” (1955) đã bị kiểm duyệt, tất cả các cảnh phim gọi đến tên của một con chó là “Nigger” đã bị xóa (do “Nigger” là từ miệt thị người da đen).

Ngay với Hoa Kỳ, nhiều nhà sản xuất phim gây áp lực với MPAA để bỏ phân loại NC-17 bởi chúng làm cho phim của họ bị thiệt hại nhiều và nhiều tờ báo uy tín từ chối điểm phim, quảng cáo các phim loại NC-17; trong khi nhiều nước thì cấm trình chiếu những phim mà Hoa Kỳ dán nhãn NC-17…

Một số Luật Điện ảnh khác của Trung Quốc hay Singapore cũng rất nghiêm khắc với những phim vi phạm đường lối chính trị, pháp luật của nước đó, chí ít là bị cắt bỏ những đoạn bị coi là vi phạm trước khi trình chiếu, nếu không chấp hành thì phim sẽ bị cấm chiếu. Và chế tài xử phạt của nhiều nước Châu Á khá nặng như Hàn quốc thì người vi phạm có thể bị phạt tù lao động công ích không quá 2 năm.

Còn cảnh “nóng” thì sao?

Về hình ảnh khỏa thân, để phim phổ biến rộng rãi mọi lứa tuổi, Luật Điện ảnh Việt Nam nêu rõ: Không chấp nhận các hình ảnh khỏa thân, trừ phần trên của nam giới, phần trên phía sau của nữ giới không liên quan đến tình dục, không có các hình xăm phản cảm.

Với C13, Luật Điện ảnh ở ta ghi rõ: Không chấp nhận các hình ảnh khỏa thân, trừ các trường hợp sau: Hình ảnh khỏa thân không trực diện phía trước, phía sau của phụ nữ không liên quan đến tình dục, hình ảnh khỏa thân phần trên phía trước của phụ nữ không liên quan đến tình dục hoặc trong các phim khoa giáo, phim liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe, cách sống của thổ dân, dân tộc thiểu số…

Trong khi C16, không chấp nhận các hình ảnh khỏa thân được miêu tả chi tiết, diễn ra thường xuyên và thời lượng kéo dài, trừ các trường hợp sau: khỏa thân phía sau của nam và nữ, khỏa thân phần trên phía trước của nữ không liên quan đến hoạt động tình dục, không có các hình xăm phản cảm.

Và C18 không chấp nhận các hình ảnh khỏa thân toàn phần, trừ trường hợp các hình ảnh khỏa thân toàn phần đó phù hợp nội dung phim, không miêu tả chi tiết các bộ phận sinh dục, không có các hình xăm phản cảm, không có thời lượng kéo dài…

Thực ra với cảnh “nóng”, luật của ta không quá khắt khe, bằng cớ là xem nhiều phim Mỹ, nhiều khi dán mác R (16+) nhưng tình dục rất nhẹ nhàng và thời lượng ít hơn phim Việt nhiều. Duy có bạo lực thì phim Mỹ “nặng đô” hơn so với rất nhiều phim các nước Châu Âu.

Việc cắt bỏ hay kiểm duyệt phim không phải là chuyện chỉ có ở Việt Nam như nhiều người xưa nay lầm tưởng. Có chăng là sự khác biệt trong việc cấm hay chiếu hạn chế thôi.

Theo Việt Văn/laodong.vn

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/duyet-phim-o-ta-co-khat-khe-hon-mot-so-quoc-gia-khac-938403.ldo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích