Duy trì tổ chức đối thoại dể giúp doanh nghiệp kịp thời gỡ vướng pháp lý trong kinh doanh
Giai đoạn 2021-2025, Chương trình hướng đến mục tiêu triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch các hoạt động hỗ trợ; định hướng cho các hoạt động hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương; nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của DNNVV.
Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình cho biết, một trong các giải pháp cần hoàn thiện để thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là sửa đổi Nghị định 55/NĐ-CP. Đồng thời, tập trung xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý là mạng lưới tư vấn viên, thu hút chuyên gia và doanh nghiệp, thúc đẩy truyền thông, áp dụng công nghệ… để doanh nghiệp tiếp cận Chương trình ngày càng hiệu quả hơn.
Hội nghị giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030 |
Theo TS Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng hỗ trợ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021-2030, Bộ Tư pháp cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật và trình Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ kinh phí cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP theo hướng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên pháp luật tối đa là 50 triệu, 150 triệu và 200 triệu/doanh nghiệp nhỏ và vừa/năm.
Ông Sơn cho rằng, kinh phí còn rất hạn hẹp khiến cho việc triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý thông qua mạng lưới tư vấn viên cho doanh nghiệp gặp khó khăn. Thù lao cho cộng tác viên tham gia mạng lưới còn thấp (mức thù lao tư vấn pháp luật thông qua mạng lưới là 15.000-30.000đ/giờ) nên chưa hấp dẫn được những chuyên gia giỏi tham gia, đặc biệt có những vụ việc vướng mắc của doanh nghiệp đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu để trả lời thì chi phí thù lao trả cộng tác viên chưa tương xứng.
Sự tham gia của một số địa phương đối với công tác hỗ trợ, duy trì hoạt động mạng lưới tư vấn viên pháp luật còn hạn chế; bộ, ngành liên quan và các địa phương mới chỉ tập trung hoạt động bồi dưỡng, tọa đàm pháp luật doanh nghiệp, chưa quan tâm đến hoạt động thiết lập, duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật, cách thức triển khai mạng lưới tư vấn pháp luật.
Từ thực tiễn hành nghề, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hà cho rằng cần thành lập các nhóm tư vấn viên theo lĩnh vực, ngành nghề để có được lực lượng tư vấn viên có chuyên môn sâu, xác định trọng tâm, trọng điểm trong việc tư vấn, không nên làm dàn trải bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn.
Một số ý kiến cho rằng, một trong các khó khăn trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là các doanh nghiệp còn chậm chủ động tìm hiểu, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới, dẫn đến tình trạng làm chưa đúng quy định của pháp luật. Nhiều doanh nghiệp chưa bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế của doanh nghiệp, chưa có thói quen thuê luật sư tư vấn pháp lý, thậm chí, các cơ quan Nhà nước phải gọi điện thoại đôn đốc mới tham gia hoặc cử cán bộ tham gia hội nghị bồi dưỡng, đối thoại về quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác này, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình vận hành mạng lưới tư vấn pháp luật. Bên cạnh đó, có nhiều vấn đề pháp lý phức tạp mang tính chất liên ngành, đòi hỏi các ngành phải cùng nhau phối hợp giải quyết. Đồng thời, cần duy trì tổ chức đối thoại giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, thông qua đó, giúp doanh nghiệp kịp thời gỡ được các vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô