Dứt khoát đưa các bệnh viện Trung ương tại Hà Nam vào khám chữa bệnh
Dứt khoát đưa các bệnh viện Trung ương tại Hà Nam vào khám chữa bệnh
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 do Ban quản lý dự án y tế trọng điểm, Bộ Y tế làm chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay cả 2 bệnh viện đều đang đóng cửa, mặc dù tiến độ giải ngân đạt hơn 55% và 57%.
Ngày 18/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các bộ, ngành, đơn vị và địa phương về các dự án xây dựng cơ sở 2 của các bệnh viện tuyến Trung ương tại tỉnh Hà Nam (gồm cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở 2 Bệnh viện Lão khoa).
Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Xây dựng; Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy.
Trước đó sáng 18/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác tới khảo sát hiện trường, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng 3 bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam gồm cơ sở 2 Bệnh viện Lão khoa, cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại TP. Hồ Chí Minh”, trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Ngày 1/12/2014, Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng; cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng; thời gian thực hiện cả hai bệnh viện là từ năm 2014 đến năm 2017.
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 do Ban quản lý dự án y tế trọng điểm, Bộ Y tế làm chủ đầu tư. Đến năm 2018, một số hạng mục của cả hai dự án đã hoàn thành, trong đó có khu khám bệnh. Song cũng từ đó, cả hai dự án tạm dừng xây dựng. Hiện nay cả 2 bệnh viện đều đang đóng cửa, mặc dù tiến độ giải ngân đạt hơn 55% và 57%.
Nguyên nhân dẫn đến hai dự án chậm tiến độ là do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là thực hiện các hợp đồng xây dựng, nên phát sinh các vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.
Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024; chỉ đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tiếp tục ưu tiên cân đối vốn cho các dự án; Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ các vướng mắc kể trên.
Kiểm tra thực địa Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác chứng kiến nhiều hạng mục của cả hai bệnh viện vẫn chưa hoàn thành; phần lớn trang thiết bị y tế chưa được mua sắm, lắp đặt; đặc biệt nhiều khu vực phụ trợ xuống cấp, sân, vườn cỏ dại mọc um tùm, trở nên hoang hóa.
Trong quá trình Thủ tướng kiểm tra, cán bộ, nhân viên bảo vệ và người dân xung quanh hai bệnh viện cho biết, người dân trong vùng rất sốt ruột khi chứng kiến hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước đã đầu tư nay để lãng phí dưới nắng mưa, không tiếp tục đầu tư, sử dụng; mong muốn hai bệnh viện tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện để đưa vào sử dụng, phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.
Ngay sau khi kiểm tra, khảo sát thực địa, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành và tỉnh Hà Nam về hai dự án này. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành xác định rõ những vướng mắc, khó khăn, nhất là sai sót từ khâu lập dự án, tư vấn thiết kết, thẩm định, ký kết hợp đồng, thi công xây lắp…; đặc biệt xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, vướng mắc này.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, các đơn vị quản lý dự án và tỉnh Hà Nam báo cáo tình hình triển khai dự án, những khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chủ trương đầu tư 5 bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối đến nay đã trải qua 3 nhiệm kỳ. Trong 5 bệnh viện, có 3 bệnh viện giao cho địa phương làm chủ đầu tư đã hoàn thành, trong khi 2 bệnh viện do Bộ làm chủ đầu tư vẫn dang dở.
Từ thực tế này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu, các cơ quan liên quan suy nghĩ thêm về việc giao cho các địa phương triển khai các công việc và vai trò của đội ngũ cán bộ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Nhắc lại nội dung trao đổi với người trông coi khu vật tư dự án Bệnh viện Việt Đức, Thủ tướng nhấn mạnh, nhân dân mong mỏi, bệnh viện sốt ruột, trông ngóng, địa phương mong muốn sớm có bệnh viện để tạo việc làm cho người dân trong khu vực.
Theo Thủ tướng, việc đầu tư hai bệnh viện hiện đã chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ những yếu kém, sai từ khi lập dự án, tư vấn, thẩm định dự án, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, ký hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện.
Thủ tướng nêu rõ, một vấn đề đặt là khi dự án xuất hiện các vướng mắc lại không được giải quyết ngay, dứt điểm, nên càng để kéo dài càng gây lãng phí, càng khó giải quyết, mất thời gian, mất công sức. Điều này càng cho thấy phải làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Thủ tướng nhấn mạnh dứt khoát phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai dự án, hoàn thành, đưa hai bệnh viện vào hoạt động, phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân; đồng thời xác định rõ trách nhiệm về những sai sót trong quá trình triển khai dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ Y tế làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài Chính, Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam. Tổ công tác tiến hành ngay việc rà soát, đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án, thủ tục pháp lý, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và các khó khăn vướng mắc khác.
Trên cơ sở đó, xác định vấn đề nào luật pháp đã có quy định, vấn đề nào chưa có quy định; vấn đề thuộc thầm quyền của ai, cấp nào giải quyết; việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong bao lâu và đề xuất giải pháp cụ thể; trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó phải giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
Bảo My (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị