Đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành được đầu tư như thế nào?
(Xây dựng) – Tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành dự kiến dài 48km đi qua Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư khoảng 84.750 tỷ đồng.
Tàu metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chạy thử qua trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Nguyên Dũng) |
Nối Thủ Thiêm và sân bay Long Thành
Theo phương án đề xuất, đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành có chiều dài 41,83km. Trong đó, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 11,7km, qua Đồng Nai dài hơn 30km. Dự án Đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành được kiến nghị sẽ thực hiện theo loại hình đường sắt vận chuyển nhanh (RRT/MRT).
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đề nghị 2 địa phương Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai cùng các đơn vị liên quan tham gia ý kiến đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, do liên danh đơn vị tư vấn Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI); Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) lập.
Theo đó, về hướng tuyến, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đưa ra phương án: Đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành bắt đầu từ ga Thủ Thiêm còn ga cuối là ở sân bay quốc tế Long Thành. Trên toàn tuyến, sẽ xây dựng 20 nhà ga, bao gồm 16 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong tổng số 20 nhà ga, có 12 ga thuộc địa bàn Đồng Nai, gồm 8 ga trên cao và 4 ga ngầm.
Theo hồ sơ, 8 ga trên cao được liên danh đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 7 ga nằm ở huyện Nhơn Trạch. Đó là các ga S9 – Long Tân, xã Long Tân; ga S10 – Phú Thạnh và ga S11 – Tuy Hạ, xã Phú Thạnh; ga S12 – Nhơn Trạch và ga S13 – Phú Hội, xã Phú Hội; ga S14 – Phước Thiền và ga S15 – Hiệp Phước, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch.
Một ga trên cao còn lại là ga S16 tại xã Long An (huyện Long Thành) và 4 ga ngầm gồm ga S17, S18 tại xã Long Phước; ga S19 – Long Thành T1-2 tại xã Bình Sơn; ga S20 – Long Thành T3-4, tại sân bay Long Thành, xã Bình Sơn.
Ngoài ra, liên danh đơn vị tư vấn cũng đề xuất bố trí một khu cảng cạn, điểm thông quan nội địa (depot) rộng hơn 21ha tại khu vực xã Cẩm Đường, huyện Long Thành.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và các Bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng đóng góp ý kiến vào Dự án Đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, trong đó các nội dung cần lấy ý kiến như: Tính cấp thiết của dự án, quy hoạch tuyến đường, nhu cầu quỹ đất, phương án kết nối các ga và giải pháp giải phóng mặt bằng.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay việc kết nối giữa sân bay Long Thành và trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây nhưng tuyến này cũng đã quá tải. Trong khi đó, các dự án đường bộ khác như Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu vẫn đang triển khai. Theo kinh nghiệm thế giới, cảng hàng không quốc tế xa trung tâm cần có tuyến đường sắt đô thị khối lượng lớn để kết nối. Do đó, hành lang Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành với nhiều khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, đang quy hoạch phát triển đô thị sân bay nên việc đầu tư tuyến đường sắt dọc hành lang là rất cần thiết.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2030
Theo quy mô đầu tư được đề xuất, Dự án Đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành có sơ bộ tổng mức đầu tư gần 85 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 3,4 tỷ USD, không bao gồm lãi vay). Dự kiến, thời gian khởi công dự án là trong năm 2026, hoàn thiện đưa vào khai thác vào năm 2030.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, liên danh tư vấn TEDI – TEDIS đề xuất đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành dài 48,2km, trong đó tuyến chính là 41,8km (đoạn đi qua Thành phố Hồ Chí Minh là 11,7km, đoạn qua Đồng Nai 30,8km) và đường dẫn vào depot (bảo dưỡng, sửa chữa tàu) Cẩm Đường dài 4,4km.
Tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành sẽ là tuyến vận chuyển hành khách khối lượng lớn (MRT), tốc độ thiết kế 120 km/giờ, tốc độ tàu vận hành tối đa 110 km/giờ, trong đường ngầm là 80 km/giờ.
Đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành sẽ bắt đầu từ ga Thủ Thiêm (phường An Phú, thành phố Thủ Đức) đi về bên trái đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, vượt sông Đồng Nai, đến khu vực giao cắt với Tỉnh lộ 25B thì rẽ trái vào dải phân cách giữa Tỉnh lộ 25B.
Khi đến đoạn thuộc xã Long An, huyện Long Thành, tuyến sẽ đi ngầm, sau khi qua giao cắt khác mức với Quốc lộ 51 thì đi cùng hành lang của đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, vào giữa dải phân cách thuộc hành lang dành cho đường sắt dọc theo đường trục số 1 vào sân bay quốc tế Long Thành. Depot sửa chữa, bảo trì được đặt tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành.
Tuyến đường sắt sẽ được thiết kế đi trên cao, qua cầu vượt sông và đi trên nền đất dài 30km, phần đi qua hầm dài hơn 15km. Trên tuyến có 20 ga, bao gồm 16 ga trên cao và 4 ga ngầm. Riêng 2 depot trên toàn tuyến, gồm depot Cẩm Đường diện tích khoảng 21,4ha đặt tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành và depot Thủ Thiêm nhỏ hơn, diện tích 1,2ha tại ga Thủ Thiêm.
Theo tính toán, trong giai đoạn 2035-2045, tuyến sẽ sử dụng 9 đoàn tàu 4 toa. Giai đoạn 2045-2055 có 28 đoàn tàu 4 toa và sau năm 2055 sử dụng 31 đoàn tàu 6 toa. Các đoàn tàu sẽ sử dụng công nghệ động lực phân tán, giống với công nghệ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tổng mức đầu tư của Dự án Đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành không bao gồm lãi vay dự kiến là 84.752 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 5.504 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn đề xuất sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, huy động trái phiếu để giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng; vay vốn ODA để mua sắm phương tiện.
Hiện, Dự án Đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành cũng đã được đưa vào quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó đến năm 2030, khu vực phía Nam có 4 tuyến đường sắt gồm: Tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu dài 84km; tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng dài 174km; tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến biên giới Việt Nam – Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) dài 128km; tuyến Thủ Thiêm – Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến sân bay quốc tế Long Thành chỉ phục vụ hành khách, dài khoảng 38km.
Nguồn: Báo xây dựng