Đường nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với Vành đai 3: Ngổn ngang giải phóng mặt bằng, khó lòng về đích như kỳ vọng!
(Xây dựng) – Dự án đường nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với Vành đai 3 (Hà Nội) khởi công tháng 7/2023, dự kiến hoàn thành trong 2 năm, kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc tại nút giao Pháp Vân. Nhưng đến nay, sau hơn một năm, dự án vẫn thi công cầm chừng để chờ mặt bằng, khó lòng về đích như kỳ vọng!
Mặt bằng thi công tại điểm đầu là nút giao Tứ Hiệp, sau hơn một năm vẫn chỉ như mới khởi công do thiếu mặt bằng (Ảnh: Tuấn Anh). |
Mặt bằng nhỏ lẻ, “xôi đỗ”
Dự án đường nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với Vành đai 3 được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt ngày 30/5/2022. Tổng chiều dài toàn tuyến là 3,4km, điểm đầu nằm trên địa phận xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), điểm cuối là phường Yên Sở (quận Hoàng Mai). Dự án được chia làm 03 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư 3.241 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.929 tỷ đồng, chi phí GPMB 936 tỷ đồng… thời gian thực hiện tới năm 2025. Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội.
Tiến độ đề ra là thế, nhưng trên thực tế, sau hơn một năm khởi công, dự án mới chỉ thi công được những hạng mục rất nhỏ. Theo đại diện chủ đầu tư, nguyên nhân là do khối lượng mặt bằng đã có đủ điều kiện thi công ít, gây khó khăn cho việc huy động máy móc tập trung triển khai đồng bộ các hạng mục công trình.
Công trường thi công tại nút giao Yên Sở, đến nay đã thi công được khoảng 70% khối lượng và vẫn cầm chừng chờ mặt bằng (Ảnh: Tuấn Anh). |
Cũng theo chủ đầu tư, phần mặt bằng được giao kể trên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, “xôi đỗ”, không liên tục. Nguyên nhân sâu xa là công tác GPMP trên địa bàn huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai còn chậm. Tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng hơn 31ha, trong đó đất ở 8,7ha, đất nông nghiệp chiếm đa số với hơn 21ha, còn lại khoảng 9,4ha đất công do địa phương quản lý.
Tại dự án này, chủ đầu tư đồng thời là đơn vị trực tiếp thực hiện công tác GPMB. Đến nay, chủ đầu tư đã phối hợp với Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì ra 1.895 phương án thu hồi, bồi thường. Theo kế hoạch dự kiến, trong quý III, IV/2024, các đơn vị sẽ phối hợp hoàn thành việc GPMB, thu hồi các diện tích đất nông nghiệp và đất công. Đồng thời, triển khai GPMB thu hồi đối với phần đất ở từ quý IV/2024.
Chủ đầu tư cũng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh thi công theo tiến độ GPMB của dự án. Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Phạm Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng Ban điều hành nút giao Tứ Hiệp (Gói thầu 1 XL) cho biết, tiến độ thi công theo chủ đầu tư giao là 28 tháng tính từ khi bàn giao đầy đủ mặt bằng. Trên thực tế, do chưa được bàn giao đầy đủ mặt bằng nên việc thi công bị chậm tiến độ.
Hiện nhà thầu đã huy động đầy đủ máy móc thiết bị để thi công trên phần mặt bằng đã được bàn giao, tiến hành các hạng mục: Đào hữu cơ, đắp cát và cọc xi măng đất. Đến nay, nhà thầu đã thi công 50% mặt bằng được giao.
“Hiện tại khó khăn lớn nhất với chúng tôi vẫn là vấn đề mặt bằng. Với mặt bằng hạn chế, khối lượng thi công quá nhỏ đã và đang gây ra lãng phí, hao hụt đối với nhà thầu”, ông Phạm Thanh Tùng khẳng định.
Việc mặt bằng bị chậm bàn giao sẽ kéo theo nhiều lãng phí cho nhà thầu cũng như chủ đầu tư (Ảnh: Kế Toại). |
Ông Phạm Quyết Nghị, Chỉ huy trưởng Gói thầu số 3 XL (nút giao Yên Sở) thuộc nhà thầu Khang Nguyên thì cho biết, nhà thầu đang tích cực triển khai trên diện tích mặt bằng được chủ đầu tư bàn giao. Tại khu vực này có 6 trụ và 1 mấu, hiện tại đã hoàn thành xong 3 trụ và đang thi công tiếp các trụ còn lại. Dự kiến sẽ thi công xong trong vòng 1 tháng.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do mặt bằng chật hẹp, máy móc thiết bị di chuyển ra vào rất khó khăn. Công trường nằm trên tuyến đường đang khai thác, các phương tiện giao thông di chuyển qua rất nhiều nên phải đảm bảo an toàn khu vực xung quanh công trường cần rất cẩn thận. Do mặt bằng chưa bàn giao đầy đủ, nhà thầu phải di chuyển thiết bị đi nơi khác trong thời gian chờ mặt bằng. Việc này sẽ khiến nhà thầu tốn rất nhiều chi phí, không thể đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân.
Ông Phạm Quyết Nghị đề nghị, chủ đầu tư đẩy mạnh phối hợp cùng các cơ quan chức năng sớm bàn giao mặt bằng để nhà thầu có thể thi công đồng bộ, thông suốt.
Phấn đấu bàn giao mặt bằng sớm nhất có thể
Bà Đồng Thị Như Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết, dự án được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 141 năm 2020 và được Thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2022.
Dự án khi hoàn thành được kỳ vọng giúp giảm tình trạng ùn tắc tại nút cao tốc Pháp Vân (Ảnh: Tuấn Anh). |
Đến nay, quận đang tích cực phối hợp với chủ đầu tư thực hiện triển khai công tác GPMB theo quy định. Diện tích đất cần thu hồi tại quận Hoàng Mai thuộc địa bàn phường Yên Sở là 15ha, liên quan tới 1.389 hộ gia đình, cá nhân và 15 thửa đất công thuộc các cơ quan, tổ chức.
“Về công tác GPMB, chúng tôi đã thực hiện xong công tác đo đạc và ban hành thông báo tới 1308 hộ gia đình, cá nhân cùng 15 cơ quan, tổ chức. Và đến nay chúng tôi cũng đã đo đạc, kiểm đếm 254 thửa đất và phê duyệt 281 hộ”, bà Đồng Thị Như Hoa thông tin.
Cũng theo bà Đồng Thị Như Hoa, dự kiến đến trong tháng 7 này, quận Hoàng Mai sẽ bàn giao khoảng 12.000m2 đất công do phường quản lý. Còn đối với diện tích liên quan các hộ dân, địa phương sẽ tích cực xử lý, bàn giao sớm và hoàn thành trong tháng 12. “Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi các hộ được giao chung các ao, không có ranh giới thửa đất, vì vậy việc bàn giao một phần đất cho chủ đầu tư là không khả quan. Vì vậy chúng tôi phải tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng với khối lượng dân cư rất lớn”, vị này chia sẻ.
Hiện nay, khó khăn rất lớn về mặt bằng cần xử lý là khu vực ao Đầm Lớn. Trước đây, theo đường chỉ giới, ao Đầm Lớn thuộc địa bàn phường Trần Phú, sau điều chỉnh nay thuộc phường Yên Sở. Hiện đây là đất chưa bàn giao, tuy nhiên các hộ thuộc Hợp tác xã Khuyến Lương đang sản xuất tại đây từ lâu, nên rất khó khăn cho việc quy chủ. Vừa qua, quận Hoàng Mai đã có báo cáo với Thành phố. Hiện nay, thành phố đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, hướng dẫn quận Hoàng Mai triển khai thực hiện.
Bà Đồng Thị Như Hoa khẳng định, tại quận Hoàng Mai, công tác lãnh đạo chỉ đạo được thực hiện rất sát sao. Quận ủy Hoàng Mai đã thành lập Ban chỉ đạo, UBND quận cũng đã có văn bản giao đồng chí Phó Chủ tịch quận chỉ đạo trực tiếp, giao cơ quan thường trực là Trung tâm Phát triển quỹ đất đôn đốc, đảm bảo tiến độ. Trong khi triển khai, nếu gặp khó khăn, cơ quan thường trực sẽ báo cáo để kịp thời xử lý.
Còn tại huyện Thanh Trì, sau nhiều ngày liên hệ, đặt lịch làm việc, thông tin về việc tháo gỡ khó khăn GPMB phục vụ dự án nêu trên, Báo điện tử Xây dựng vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía huyện Thanh Trì. |
Nguồn: Báo xây dựng