Được ACV ‘ưu ái’ giao nhiều gói thầu, Khánh Thiện đang làm ăn ra sao?
Vào ngày 2/9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã ký quyết định cảnh cáo 2 nhà thầu tại dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài (Hà Nội) là Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC (Công ty ADCC) và Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện (Khánh Thiện). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.032 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
Nguyên nhân do các đơn vị này thiếu tinh thần trách nhiệm, chậm xử lý các phát sinh, vi phạm tiến độ hợp đồng dự án. Bộ GTVT yêu cầu 2 nhà thầu trên khắc phục các tồn tại, tập trung nhân lực, nguồn lực triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuyệt đối an toàn.
Trong 2 đơn vị này, Khánh Thiện là cái tên nổi bật hơn cả. Theo tìm hiểu, Khánh Thiện và ACV có mối quan hệ rất khăng khít. Tại các gói thầu do ACV mời thầu, Khánh Thiện đã đạt tỷ lệ trúng lên đến 100%.
Ngoài việc trúng thầu tuyệt đối, một số gói thầu mà Khánh Thiện trúng có tỷ lệ vỏn vẹn 0,2%. Ví dụ, tại gói thầu cung cấp thiết bị thuộc dự án Cải tạo và nâng cấp hệ thống đèn Stopbar – Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, Khánh Thiện trúng thầu với giá 4,98 tỷ đồng, chỉ thấp hơn giá gói thầu 4,99 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm chỉ khoảng 0,2%….
Đáng chú ý, theo tìm hiểu, Khánh Thiện thuộc sở hữu của 2 cổ đông họ Phạm, trong đó doanh nhân Phạm Duy Tân là đại gia liên quan đến thương vụ lướt sóngnổi danh ở dự án số 2 Tôn Đức Thắng (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Sau gần 3 thập kỷ, ông Tân cùng vợ là bà Nguyễn Thu Hồng (SN 1957) đã gây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, khách sạn, thương mại, dược phẩm, y tế, dịch vụ hàng không….
Cụ thể, ở lĩnh vực dược phẩm, thiết bị y tế, chăm sóc sức khoẻ với thương hiệu Paramed, gồm các pháp nhân Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật cao Khánh Thiện, CTCP Đầu tư Y tế Thiện Mỹ, Công ty TNHH Y Tế Iparamed, CTCP Dịch vụ và Đầu tư Y tế Health Boutique, Công ty TNHH Dược phẩm Cát Thịnh.
Với mảng khách sạn, còn có Công ty TNHH Dịch vụ Khánh Thiện với hai khách sạn Paris và Phú Đạt ở Quận 1, TP.HCM.
Ở lĩnh vực logistics, dịch vụ hàng không có CTCP Thương mại và Dịch vụ Nội Bài Hà Nội, CTCP Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu. Ngoài ra, 2 vợ chồng ông từng sở hữu 760.000 cổ phần CTCP ICD Tân Cảng – Long Bình, tuy nhiên vợ chồng ông đã thoái hết khoản đầu tư này.
Bên cạnh đó, phải kể đến một số doanh nghiệp khác như CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng Công nghiệp Phú Hữu, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ KT GTVT Đại Hoàng Hà, CTCP Xuất nhập khẩu Cát Tường, Công ty TNHH Cát Tường, Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Du lịch Hồng Ngọc Hà, CTCP Bao bì Việt Nam…
Trở lại với Khánh Thiện, dù được ACV “ưu ái” giao nhiều gói thầu, song tình hình tài chính công ty này không quá tích cực.
Trong năm 2019, doanh thu thuần Khánh Thiệnđạt 35,8 tỷ đồng, giảm 75,3% so với năm 2018. Lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 93 triệu đồng, giảm 78,3%.
Ở các năm trước đó (2016 – 2018), lợi nhuận công ty thu về cũng khá thấp, chỉ dao động từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 31/12/019 là 132,2 tỷ đồng, giảm gần 9,6% so với số đầu kỳ. Đặc biệt, vốn chủ sở hữu công ty chỉ vỏn vẹn 18,7 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả đã lên đến 113,5 tỷ đồng, tương đương hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là hơn 6 lần.
Có thể thấy, Khánh Thiện giai đoạn 2016-2019 luôn duy trì hệ số nợ/vốn chủ sở hữu rất cao, trong đó cao nhất là năm 2016 khi đạt 19 lần.
Trong khi đó, các đơn vị có liên hệ đến Thương mại Khánh Thiện đều có lãi/lỗ ở mức không đáng kể trong năm 2019, như: Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật cao Khánh Thiện lãi 44,7 triệu đồng; CTCP Đầu tư Y tế Thiện Mỹ lỗ 4,1 triệu đồng; CTCP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu lỗ 491 triệu đồng.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu