Dùng vi khuẩn E. coli phát hiện ô nhiễm kim loại nặng trong nước
Dùng vi khuẩn E. coli phát hiện ô nhiễm kim loại nặng trong nước
E. coli được biết đến là một vi khuẩn gây hại. Song mới đây các nhà nghiên cứu tại trường Đại học California (Hoa Kỳ) đã chứng minh vi khuẩn E. coli có thể trở thành thành một phần của hệ thống phát hiện ô nhiễm kim loại nặng trong nước.
Nghiên cứu đã được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.
Theo nghiên cứu, E. coli sẽ gây ra phản ứng sinh hóa khi có sự hiện diện của các ion kim loại, một thay đổi nhỏ mà các nhà nghiên cứu có thể quan sát được bằng các cảm biến quang học hạt nano vàng. Thông qua phân tích bằng máy học về phổ quang học của các chất chuyển hóa được giải phóng khi tiếp xúc với crom và asen, các nhà khoa học có thể phát hiện kim loại ở nồng độ thấp hơn một tỷ lần so với nồng độ dẫn đến làm chết tế bào và đồng thời xác định đó là kim loại nào và hàm lượng ra sao với độ chính xác cao hơn 96%. Đặc biệt, quy trình này diễn ra chỉ trong khoảng 10 phút.
Ngoài chứng minh khả năng vi khuẩn như E. coli phát hiện nước không an toàn, các nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh các thành phần thiết yếu khác như các hạt nano vàng và thuật toán học máy, giúp tăng cường đáng kể độ nhạy của hệ thống quan trắc. E. coli có thể được áp dụng để phát hiện nồng độ dưới mức quy định của các kim loại độc hại, bao gồm asen, cadmi, crom, đồng, chì và thủy ngân để đưa ra cảnh báo sớm ô nhiễm.
Vi khuẩn E. coli có tên đầy đủ là Escherichia coli – một vi khuẩn thường sống trong ruột của người và động vật. Hầu hết các loại vi khuẩn E. coli được biết đến với tác hại là nguyên nhân gây ra tiêu chảy tạm thời và thoáng qua, hay một số những nhiễm trùng nặng đường ruột dẫn đến bệnh cảnh nặng hơn với tiêu chảy, đau bụng và sốt.
Theo các chuyên gia y tế, ngoài các tác hại, vi khuẩn E. Coli có một số vai trò nhất định trong cơ thể người như: ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa, kích thích hệ miễn dịch của cơ thể, sản xuất các chất có lợi cho cơ thể: vitamin K, biotin,… chuyển hóa chất đường trong cơ thể.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị