Đừng nhìn về quá khứ!
Những thứ có tên là “quá khứ” cũng có thể được gọi là “chấp niệm”. Chấp niệm một khi đã ăn sâu vào tâm trí thì lý do nào cũng phải chịu thua. Phải chăng ta chấp niệm vì niềm tin đặt vào đó quá nhiều. Có những ngày hạnh phúc trong tình yêu, có những ngày bên nhau say đắm, yêu lắm nụ hôn đầu và những cảm xúc thăng hoa. Từng là tất cả của nhau để rồi không là gì cả thì ai mà có thể dễ dàng buông. Lòng tôi buồn, lòng người chắc gì đã vui, đành chôn vùi sâu vào tận cùng dĩ vãng.
Ảnh minh họa |
Quá khứ như chiếc lá vàng nhẹ trôi trên mặt nước, lá xuôi dòng hay mắc lại những ghềnh đá cheo leo? Lá theo thủy triều lên xuống như phận người chìm nổi giữa duyên nghiệp – thực hư, quá khứ có đôi lúc tạm quên đi nhưng có khi lại trào dâng như thác lũ. Những gì tưởng chừng đã ngủ quên bỗng gợi lên mạnh mẽ. Cố né tránh trong một phút giây nào đó rồi lại vẹn nguyên. Quá khứ làm đảo điên hiện tại, làm con người ta không thể định hướng được tương lai. Cứ vướng mắc trong những điều không thể thay đổi. Như chiếc lá rơi dù có trôi nổi lênh đênh thì một ngày cũng sẽ về với cội, quy luật muôn đời thời gian cứ thôi đưa.
Đôi khi người ta cứ luyến tiếc quá khứ vì nơi đó chứa đựng những ký ức ngọt ngào, nhưng đôi khi người ta không thể quên quá khứ vì nơi đó có những nỗi đau khiến cho lòng mãi nặng mang.
Hoàng hôn rồi sẽ tàn nhưng bình minh lại tới. Nếu đã có những thứ không thể quên trong đời, xin xếp vào một nơi chốn bình yên. Để những lúc an nhiên nếu ký ức có vọng về, ta cũng không còn trách một câu thề bỏ lỡ. Chiều tắt nắng và vầng trăng khuyết nhô lên, đêm tiếp nối với bao điều kỳ diệu. Còn lại xung quanh là thực tại nhiệm màu, ta biết những điều đã mất, những gì đã qua không thuộc về ta nữa.
Vì vậy nếu được, hãy nói lời tha thứ. Nếu được hãy nói lời cảm ơn và xin lỗi. Nếu được, hãy xem như đoạn đường đó đã nuôi lớn, giúp ta trưởng thành hơn. Và nếu được, xin người và tôi đừng mãi nhìn về quá khứ, đừng khư khư giữ những chấp niệm, hãy như những áng mây trời, bay về nơi niềm an lạc được sinh ra.
Kim Loan
Nguồn: Báo lao động thủ đô