Dung dị chợ Tết
Những phiên chợ ngày Tết luôn là niềm mong mỏi của nhiều người dân Hà Nội. |
Nhà văn Vũ Bằng, trong cuốn “Thương nhớ mười hai” đã mô tả một cảnh chợ Tết xưa bằng những dòng thật sinh động: “Đất thì lầy lội, người thì đông, chen chúc xô đẩy ồn ào, mình mệt đứt hơi mà cứ phải đi theo xách làn mây lẽo đẽo, lắm lúc muốn thở hắt ra đi về. Nhưng nghĩ thế mà thôi, chứ chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, để xem thiên hạ mua bán, để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, để đi xem… chợ Tết”.
Chợ phiên nổi tiếng Hà thành phải kể đến chợ Bưởi, chợ Mơ. Bà Lê Thị Hạnh năm nay đã 78 tuổi (phường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, tuổi thơ của bà gắn với những phiên chợ Bưởi. Đến tận bây giờ, bà vẫn không quên câu ca dao đã được nghe từ thuở nhỏ: “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng”. Thế nhưng, trong trí nhớ của bà, những phiên chợ gần Tết luôn là những ký ức không thể nào quên. “Chợ Kẻ Bưởi xưa là chợ lớn nhất ở phía Tây thành Thăng Long, nay đã thay đổi rất nhiều theo thời gian nhưng đây vẫn là nơi mà mỗi người Hà thành tìm đến, nhất là khi Tết đến, xuân về. Đây là một trong những chợ cổ nhất Hà Nội duy trì hình thức họp chợ phiên cho đến tận ngày nay”, bà Hạnh chia sẻ.
Hằng năm, cứ đến phiên chợ ngày 29 Tết Nguyên đán, chợ Bưởi thường trở nên đông vui, tấp nập hơn với muôn loài hoa, cây cảnh… từ khắp nơi mang về bày bán. Đi chợ Bưởi cuối năm, có người mua hoa chơi Tết, có người ngắm cây cảnh, người mua giống cây, giống hoa, nhưng cũng có người đến chợ đơn giản chỉ là một thú vui mỗi dịp Tết đến, xuân về… Vậy mới biết, giữa cuộc sống xô bồ nhưng vẫn còn đó chợ Kẻ Bưởi với sự thanh lịch, những nét văn hóa rất riêng của người Hà Nội.
Cũng là một trong những người Hà Nội hoài niệm về phiên chợ Tết, ông Nguyễn Thái An (phố Hàng Đào, Hoàn Kiếm) thì luôn nhớ về những phiên chợ hoa Tết Hàng Lược. Ông An cho biết, ông được nghe kể lại, suốt những năm qua, ngay cả thời Mỹ đánh phá Hà Nội ác liệt bằng không quân thì chợ hoa Tết vẫn họp. Chỉ có điều là người bán tản ra các phố xung quanh, nhưng trung tâm vẫn là Hàng Lược. Chợ hoa Hàng Lược họp cho đến sát giao thừa mới kết thúc. Và vào ngày này, không chỉ đi mua hoa mà người ta còn đi chợ ngắm hoa, chơi xuân, đó là nét văn hóa đẹp của người Hà Nội.
“Trong tâm trí của người Hà Nội, phiên chợ hoa ngày Tết không phải ở Quảng An, Quảng Bá hay Hàng Đậu… mà là chợ hoa Hàng Lược. Chợ hoa Hàng Lược chỉ họp đúng một phiên duy nhất từ ngày 23 tháng Chạp đến sát thời khắc giao thừa và càng gần Tết thì càng đông. Đặc biệt, người Hà Nội có thú vui đi chợ hoa thường ngắm nhiều hơn mua. Có khi cả tuần họp chợ ngày nào cũng đi ngắm để đến hôm 30 mới chọn được cành hoa. Đến đây, người ta được thoả thích ngắm hoa hoặc cảm nhận một nét văn hóa Tết đặc sắc ở mảnh đất ngàn năm văn hiến”, ông Nguyễn Thái An bày tỏ.
Không chỉ trong nội thành, mà hiện nay, ở khu vực ngoại thành, các phiên chợ quê ngày cuối năm cũng luôn là niềm “mong mỏi” của nhiều người. Trong đó, phiên chợ Nủa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) đến nay vẫn giữ được nét đặc sắc của chợ phiên truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ xưa. Bà Nguyễn Thị Cúc (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất) đã có thâm niên hơn 30 năm bán hàng tại chợ Nủa cho biết, đây là chợ theo phiên diễn ra vào các ngày: 2, 7, 12, 17, 22, 27 Âm lịch. Nhưng dịp cuối năm, người dân xứ Đoài lại háo hức, chờ đợi với một cảm xúc rất riêng để được tới chợ Nủa.
Trong nhịp sống hối hả hiện nay, có lẽ với nhiều người đến chợ phiên không phải để mua đồ mà là đi ngắm chợ, tìm cái dung dị giữa cuộc sống xô bồ, để nhớ đến một thời không thể nào quên. Một thời kỳ tuy nghèo về vật chất nhưng rất đỗi giàu có về tâm hồn, về văn hóa Việt thấm đẫm trong từng góc chợ… |
“Gái 22, trai 27” – đó là hai phiên chợ cuối năm đặc sắc chỉ có ở chợ Nủa. Cả hai phiên chợ này, các mặt hàng được bày bán không khác nhau nhưng ngày 22 thì đông nữ; còn ngày 27 thì nam nhiều hơn. “Xưa, vào các ngày chợ phiên đặc biệt này, trẻ em trai và trẻ em gái đều được bố mẹ cho một khoản tiền nhỏ đi chợ Tết và được tự tay mua sắm đồ dùng theo ý thích. Ngày thường, chợ chỉ họp đến 2h chiều là kết thúc; riêng phiên chợ cuối năm họp đến tối, khi nào vắng khách, chợ mới tan”, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết.
Cũng theo chia sẻ của bà Cúc, mỗi phiên chợ Nủa ngày cận Tết có hàng nghìn người mua, bán, tạo nên khung cảnh hết sức vui nhộn. Phiên chợ cuối năm ngày 27 tháng Chạp là đặc biệt nhất. Cho đến nay, rất nhiều người vẫn chờ đến ngày này để sắm Tết, từ thực phẩm, bánh trái cho đến tấm áo mới. Thứ bán bạt ngàn ở chợ ngày này là lá dong và lạt buộc bánh chưng, thịt lợn, gà trống cúng đêm giao thừa, măng, miến, chuối xanh, bưởi… Và nhiều nhất có lẽ là kẹo lạc, kẹo vừng và chè lam mời khách ngày Tết.
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã cận kề. Sắc xuân đã ngập tràn muôn nơi, trong lòng mỗi người Hà Nội lại có một sự thôi thúc mãnh liệt tìm về với những giá trị văn hóa cội nguồn; tìm về với những món quà, những vật phẩm chợ phiên Tết xưa rất bình thường nhưng không tầm thường. Bởi, hương vị của nó là hương vị của tuổi thơ, của ký ức.
Nguồn: Báo lao động thủ đô