Đừng để tiếng cười trẻ thơ tắt vì đại dịch!

Đừng để tiếng cười trẻ thơ tắt vì đại dịch!

Phú Ngọc –  Thứ năm, 23/09/2021 16:24 (GMT+7)

Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 17.000 người, đẩy hàng ngàn trẻ em mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, tương lai các em rồi sẽ về đâu?

“Nhìn cảnh này xót ghê. Mẹ mất do đột quỵ. Bé mới 7 tuổi ở với ông bà ngoại từ nhỏ, không biết mặt ba. Ông bà cháu bị dương tính. Bà mất sau vài ngày nhập viện. Hai ông cháu đau lòng qua cách ly tại bệnh viện dã chiến số 4, ông còn dương tính, còn bé thì đủ tiêu chuẩn xuất viện.

Do ông bà trọ ở quận 8, nay ông còn tiếp tục điều trị ở dã chiến, nên đành gửi bé về nhà người quen ở Long An. Hai ông cháu chào nhau suốt không ai chịu đi…” – Đó là câu chuyện cảm động được chia sẻ trên fanpage Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh.

Đăng kèm bài viết là hình ảnh bé gái đội mũ đứng bên cạnh chiếc vali to, phía xa xa là ông ngoại đứng nhìn, hai ông cháu vẫy tay chào nhau đầy lưu luyến không nỡ rời đi khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa. Và còn đau xót hơn khi em chỉ là một trong rất nhiều trẻ em đã mất đi người chăm sóc vì đại dịch Covid-19.

tm-img-alt
Cô bé mồ côi 7 tuổi này bịn rịn chia tay ông ngoại để về quê Long An nương nhờ họ hàng, hôm 17/8. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng thành phố cung cấp

Theo báo cáo sơ bộ của Sở GD & ĐT TP.HCM, toàn thành phố có hơn 1.500 học sinh mồ côi do Covid-19. Một con số khiến mọi người làm cha, làm mẹ và những người có trách nhiệm không khỏi đau đớn, xót xa.

Số liệu này được rà soát trong 3 cấp Tiểu học, THCS và THPT. Có nghĩa là trên thực tế, số trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 có thể còn lớn hơn nhiều khi chưa tính đến nhóm trẻ từ 0 đến dưới 5 tuổi.

Tác động của dịch Covid-19 đối với mọi mặt kinh tế, đời sống xã hội đã rõ, nhưng với trẻ em – những mầm non tương lai đang cần được nâng niu, chăm bẵm thì hệ lụy của nó để lại thật vô cùng.

Hàng nghìn đứa trẻ phải chịu nỗi đau mất cha, mất mẹ, hoặc mất cả cha lẫn mẹ vì dịch bệnh. Nhiều trẻ là F0, F1, phải rời xa gia đình để đi chữa bệnh, đi cách ly, phải đối mặt với nỗi sợ hãi và phải tự mình vượt qua khó khăn. Những “chiếc lá bé nhỏ” chao đảo, quăng quật, chới với tìm sự sống và bình yên trước “bão” Covid-19. Và rồi, thân phận mồ côi như cứa vào tâm hồn và trái tim non trẻ của các em nỗi đau không biết bao giờ mới lành.

Cuộc sống trước mắt và tương lai của các em – những đứa trẻ là nạn nhân của đại dịch khủng khiếp rồi đây sẽ ra sao? Câu hỏi khiến ai trong chúng ta cũng phải buốt nhói. Ổn định tâm lý, ổn định đời sống cho các em trước mắt và lâu dài là việc không thể chậm trễ hơn.

tm-img-alt
Đại dịch đã gây ra nhiều hệ lụy, đau lòng nhất là đã có hàng ngàn trẻ em mồ côi vì cha mẹ qua đời do Covid-19. Ảnh: Ủy ban MTTQVN TP.HCM cung cấp

Tại bệnh viện dã chiến số 4 (Bệnh viện Nhi đồng thành phố), các bác sĩ gặp không ít trường hợp các bé đột ngột mất cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Cậu bé Ken, 9 tuổi, ở quận 8, mất mẹ ngay trước cổng một bệnh viện. Ba Ken phải lo hậu sự mẹ và chăm sóc bà nội cũng đang nguy kịch. Những ngày ở viện, Ken được các nhân viên y tế chăm sóc như con mình. Trường hợp khác, một bé gái 7 tuổi, mồ côi từ lâu vì mẹ mất do đột quỵ, không biết mặt ba. Em sống với ông bà trong căn nhà trọ quận 8. Dịch cướp mất người bà, còn ông vẫn nằm viện điều trị Covid-19. Con bé đành phải về nhà người quen ở Long An.

Khánh (12 tuổi) và em gái Nguyễn Tường Vy (6 tuổi) sống cùng mẹ tại khu trọ dành cho dân lao động nghèo trên đường Nguyễn Cửu Phú, phường Tân Tạo A. Mẹ hai em là chị Đinh Thị Phương (46 tuổi, công nhân Công ty Pouyuen) đã được tiêm một mũi vắc xin.

Ngày 15/8, chị Phương phát hiện mắc Covid-19, chị được đưa vào Bệnh viện (BV) dã chiến số 13 điều trị, còn hai đứa con may mắn âm tính nên được ở lại. Trước khi đi BV, chị Phương nhờ em chồng là anh Nguyễn Hữu Linh (31 tuổi) ở trọ đối diện sang trông chừng hai cháu.

Lo lắng cho con, người mẹ ở BV thường gọi video về dặn con ở nhà phải ngoan, nghe lời chú Năm (anh Linh). Sáng 17/8, nghe con trai hỏi “mẹ khỏe chưa, chừng nào mẹ về?”, chị Phương vẫn tỉnh táo, bảo còn hơi mệt nên chắc vài bữa mới về được. “Nhưng tới trưa hôm đó thì BV gọi báo tin chị dâu tôi đã mất do suy hô hấp nặng” – Anh Linh nhớ lại.

Hai năm trước, người cha lâm bệnh nặng, hai bé đã mồ côi cha. Giờ đây khi vừa bước vào năm học mới, hai đứa trẻ lại đón mẹ về trong chiếc hũ. Ngày nhận tro cốt, cậu bé 12 tuổi vừa ôm hũ tro cốt vừa khóc, những tiếng nấc nghẹn “mẹ ơi!” xé lòng phát ra từ căn trọ cũ kỹ, thiếu ánh sáng khiến khu trọ vốn ảm đạm vì dịch giờ càng xót xa hơn.

Theo chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành (Hà Nội), những trẻ em đột ngột mất người thân, đặc biệt là cha mẹ, vì Covid-19 phải gánh chịu nỗi đau rất lớn và sẽ trải qua những khủng hoảng tâm lý sâu sắc trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, các em còn phải đối mặt lâu dài với những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống hiện tại và tương lai khi không còn nơi nương tựa cả về tinh thần lẫn vật chất.

“Cảm giác đau khổ vì chia cắt, mất mát đột ngột quá lớn; cảm giác bất lực vì không thể làm gì để giúp người thân; cảm giác tội lỗi, cay đắng, chia tay không lời gửi gắm; đám tang hoang vắng, không người đưa tiễn; nỗi lo sợ về tương lai… sẽ gây ra khủng hoảng tâm lý với con trẻ”, bà Thành nói.

Trong bối cảnh có số lượng lớn trẻ em mồ côi cha mẹ do Covid-19, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng xác định cần phải có những chính sách chăm lo chu đáo lâu dài cho các em có hoàn cảnh đặc biệt này. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân đân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã có văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị rà soát, lập danh sách các trẻ mồ côi cha, mẹ do Covid-19; tổ chức thăm hỏi, động viên và nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng các em để tham mưu, xây dựng chính sách trước mắt và lâu dài cho từng nhóm, trình Ủy ban nhân dân Thành phố trước ngày 25/9.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục  Quốc hội cho biết Nhà nước sẽ hỗ trợ và vận động các nguồn xã hội hóa để đảm bảo cho các em được chăm sóc tại gia đình. Trong trường hợp bất khả kháng, không còn người thân, họ hàng mới tính đến phương án đưa các em vào trung tâm bảo trợ, trung tâm do các nhà hảo tâm xây dựng.

“Câu chuyện trẻ em mồ côi không phải là vấn đề trước mắt 1 năm, 2 năm, có những em mới chào đời còn gần 20 năm phía trước cần được hỗ trợ, chúng ta phải tính toàn diện. Vấn đề thực tiễn đặt ra có tác động lâu dài nên cần phải tính đến một chính sách dài hạn. Mong muốn của chúng tôi là kiến nghị Chính phủ có chính sách dài hạn giúp các em vượt qua khó khăn, được chăm sóc đầy đủ nhất đến lúc trưởng thành, cứng cáp để các em có thể tự lập sau này”- Ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tác động của dịch bệnh COVID-19, Ủy ban này đã kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế, chính sách cho đối tượng trẻ em mồ côi cha, mẹ bởi đại dịch COVID-19.

Theo đó, Chính phủ cần có chính sách, gói hỗ trợ trực tiếp và khẩn trương đến với các đối tượng này đồng thời có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em vì hiện nay các đơn vị này đang quá tải.

“Có cha có mẹ thì hơn / Không cha không mẹ như đờn đứt dây”. Đừng để tiếng cười tuổi thơ phải tắt đi vì Covid. Bằng tất cả tình yêu thương và sự bao dung để giúp những phím đàn ấy bật lên thanh âm trong trẻo, như chính sự vô tư, hồn nhiên được sống và lớn lên của trẻ em. Hãy cho trẻ em được hưởng cuộc sống hạnh phúc như nó vốn thuộc về các em!

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích