Đừng để giá tăng vì lý do… dịch bệnh!

Sáng 11/8, theo đúng lịch, chị Nguyễn Thị Dương (đường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm) ra chợ tạm trên đường Bạch Đằng để đi chợ. Đắn đo mãi chị Dương cũng không biết nên mua gì bởi mặt hàng nào cũng tăng giá, từ rau xanh đến thịt cá. Thu nhập bị cắt giảm, toàn bộ chi tiêu được cắt xén từ số tiền tiết kiệm trước đó, chị đành cắt bớt khẩu phần so với lúc trước.

“Nếu tuần trước thịt gà 120.000 đồng/kg thì tuần này lên 150.000 đồng/kg; thịt nạc vai 140.000 đồng/kg thì nay tăng lên 150.000 đồng/kg, có nơi 160.000 đồng/kg. Rau xanh cũng tăng giá, rau muống mớ to là 20.000 đồng/mớ, mớ nhỏ cũng 10.000 đồng/mớ… Giá tăng cao nhưng hàng hóa cũng không phong phú như trước, có những mớ rau héo khô, trước không ai lấy thì giờ cũng đành phải mua vì không có lựa chọn”, chị Dương tâm sự.

Đừng để giá tăng vì lý do…  dịch bệnh!
Huyện đoàn Phúc Thọ hỗ trợ nông dân thu hoạch rau trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Qua tìm hiểu, tình trạng tăng giá thực phẩm diễn ra ở hầu hết các quận nội thành sau khi một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội phải đóng cửa do có ca mắc Covid-19. Cụ thể, giá thịt lợn tăng từ 130.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg, có nơi tăng đến 180.000-200.000 đồng/kg. Giá thịt bò 290.000-330.000 đồng/kg; trứng gà ta 38.000-50.000 đồng/chục…

Rau củ quả cũng tăng giá, rau muống tăng từ 10.000 đồng lên 15.000-20.000 đồng/mớ tùy địa bàn, dứa tăng giá từ 12.000 đồng/quả lên 17.000-20.000 đồng/quả. Các loại hoa quả đồng loạt tăng 5.000-7.000 đồng/kg.

Tình trạng khan hiếm đã đẩy giá các mặt hàng thực phẩm tại nhiều khu vực nội thành là vậy, nhưng cùng với đó, tại nhiều nơi, thậm chí tại 1 số nơi ngay giữa trung tâm Thủ đô như bãi giữa sông Hồng, người nông dân lại phải tự loay hoay tìm cách tiêu thụ do chuỗi cung ứng đứt gãy.

Theo anh Nguyễn Hoàng Đức (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên), những ngày chưa có dịch bệnh, sau khi thu hoạch rau từ mờ sáng, rau sẽ được đưa lên chợ tạm Long Biên chờ thương lái thân quen đến thu gom để đưa hàng ra chợ đầu mối. Sau khi Thành phố thực hiện giãn cách, thương lái không thể thu gom khiến một phần diện tích rau đã trồng dù thu hoạch cũng khó lòng bán được, rau cắt mang về cũng chỉ để phục vụ bữa ăn gia đình, ai cần thì chúng tôi chia sẻ.

Tương tự, tại xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ), nhiều vựa rau muống “tiến vua” dù đã đến kỳ thu hoạch nhưng đều gặp khó khăn. Để giúp bà con nông dân, Huyện đoàn đã huy động các tình nguyện viên thu hoạch sau đó sẽ chuyển xuống Huyện đoàn và các xã để tiêu thụ. Đồng thời, cũng liên hệ với lực lượng quân đội nhằm đáp ứng nhu cầu về rau cho bộ đội, trung bình mỗi ngày 5 đến 8 tạ, với giá 5.000 đồng/kg rau muống.

Nhận định về tình trạng trên và nêu ý kiến về nguyên tắc bình ổn giá, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tổ chức chuỗi cung ứng một cách hợp lý, khoa học hơn. Thứ nhất phải có số lượng hàng hóa mang tính áp đảo thị trường, bên cạnh đó, hàng hóa phải rải đều ở các kênh phân phối.

Kinh nghiệm như ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trứng gà của Công ty Ba Huân với số lượng áp đảo và kiên quyết không tăng giá từ khi Thành phố có dịch đến nay, cho nên giá trứng gà tương đối ổn định.

Tại Hà Nội, mặc dù có công bố chuẩn bị hàng triệu quả trứng một ngày nhưng lượng trứng bán ra ở chợ và siêu thị không nhiều, hoặc lúc có lúc không. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến giá mặt hàng thiết yếu này đã bị đẩy tăng 2-3 lần và các mặt hàng khác cũng có tình trạng tương tự…

Ngoài ra, về mặt khách quan, do chuỗi cung ứng những hàng hóa đó bị đứt đoạn tại một số thời điểm. Số chợ đầu mối, chợ dân sinh và siêu thị bị tạm thời đóng cửa đã dẫn tới việc phục vụ tiêu dùng cho nhân dân thủ đô chưa được đều đặn.

Một yếu tố nữa được đề cập là chi phí vận chuyển, giao nhận mặt hàng trứng và một số mặt hàng khác có tăng lên trong mùa dịch. Bên cạnh đó, yếu tố chủ quan là sự điều phối nơi thừa sang nơi thiếu của các đơn vị chưa được nhịp nhàng.

Riêng mặt hàng thịt lợn, tuy giá lợn hơi giảm 50%, song giá cả ở khâu bán lẻ bị đẩy lên cao là do chi phí trung gian. Căn cứ tình hình trên đề nghị Thành phố cần xem xét một cách thấu đáo việc tổ chức nguồn cung và tổ chức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn một cách khoa học hơn, kịp thời hơn.

Đặc biệt tại các chợ dân sinh trên địa bàn, do chính quyền phường phát phiếu đi chợ theo nguyên tắc ngày chẵn, lẻ lại phải thực hiện nguyên tắc 5K, nên không ít tiểu thương các chợ “té nước theo mưa” muốn bán giá nào thì tùy.

Một chị nội trợ ở phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cho biết: Đành rằng do giãn cách xã hội nên hàng hóa lưu thông ít hơn, song tại một số chợ đang diễn ra tình trạng tăng giá bán. Vì khi chưa giãn cách, người mua thỏa sức mặc cả, nhưng nay, đến chợ hầu như người mua không có quyền hỏi giá, mua được nhu yếu phẩm đã là may rồi, người bán nói giá bao nhiêu thì biết bấy nhiêu.

Bởi thế, cũng rất cần cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra tình hình giá cả tại các chợ dân sinh để góp phần bình ổn thị trường, tránh tình trạng đầu cơ giá mùa dịch./.

Tuấn Dũng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích