Đừng để đường từ dạ dày đến “điểm cuối” ngắn lại!

Trích và nhắc lại điều này không có nghĩa là khắc họa bức tranh đầy màu xám về thị trường thực phẩm hiện nay mà chỉ muốn gióng thêm tiếng chuông cảnh tỉnh để làm sao góp phần “tạo dựng” được thị trường thực phẩm từ khâu trồng trọt, sản xuất, lưu thông, nhập khẩu, chế biến… một cách an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe của người dân nhân Tháng hành động An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) năm 2023.

Đừng để đường từ dạ dày đến “điểm cuối” ngắn lại!
Vấn đề ATVSTP luôn được người dân quan tâm (Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Để tạo một thị trường nông phẩm an toàn, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các luật, văn bản dưới luật tương đối đầy đủ, bản thân ngành Nông nghiệp cũng đang triển khai mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đáp ứng đẩy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn về ATVSTP, song đâu đó vẫn còn tình trạng sản xuất, vận chuyển, chế biến, sử dụng một số loại thực phẩm chưa đảm bảo an toàn. Những loại thực phẩm này đang hàng ngày, hàng giờ hiện diện tại các chợ, quán nhậu, bếp ăn tập thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Ở góc độ ngộ độc thực phẩm, báo cáo của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán…

Để “con sâu không làm rầu nồi canh”; để “thiên đường” ẩm thực Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi ồn ào dư luận khiến du khách e dè; để mỗi người dân được quyền thụ hưởng thực phẩm sạch và đặc biệt để minh bạch trong công tác quản lý Nhà nước để nêu gương… đối với ngành Y tế Thủ đô và các cơ quan liên quan chỉ cần đột xuất kiểm tra mỗi quận, huyện trên địa bàn thành phố 2-3 quán nhậu, bếp ăn tập thể, sản phẩm tại chợ dân sinh… để lấy mẫu thức ăn, nguyên liệu, đồ uống (bia hơi, rượu) để xét nghiệm chỉ số ATTP. Qua chỉ số này, nếu thấy vấn đề sẽ phối hợp với ngành Công Thương, Công an truy tìm ra nguồn gốc xuất xứ. Ở phạm vi quốc gia, liên bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp cũng làm tương tự như vậy.

Cạnh đó, trên bình diện truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ngoài các văn bản quy phạm hiện hành nên chăng cần xây dựng cẩm nang bộ tiêu chí theo lối ngắn gọn, dễ hiểu về thế nào là sản xuất, sử dụng, chế biến thực phẩm an toàn. Trong bảo quản, thì thực phẩm, nông sản được sử dụng những loại hóa chất, phụ gia nào, tỷ lệ bao nhiêu là đảm bảo. Những loại hoạt chất nào thì tuyệt đối không được sử dụng. Sau đó dùng các nghiệp vụ truyền thông để tiếp cận người dân, người kinh doanh một cách kiên trì để thẩm thấu dần với họ. Đồng thời, nâng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm ATVSTP cả mức hành chính lẫn mức hình sự lên cao để răn đe….

Hy vọng nếu chúng ta vào cuộc một cách đồng bộ, khoa học, có những cách tiếp cận công tác truyền thông hợp lý thì vấn đề ATVSTP mới không còn là chủ đề nóng đối với toàn xã hội.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích